Các bác sĩ đã dùng robot để cắt bàng quang, tạo hình bàng quang bằng hồi tràng (đoạn dưới ruột non), giúp bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư bàng quang. Đây là lần tiên Việt Nam thực hiện phẫu thuật này mà không cần dùng “dao kéo”.
Bệnh nhân mắc phải ung thư bàng quang được phẫu thuật thành công bằng robot là anh L.K.P. (46 tuổi, quê Khánh Hòa). Trước đó, bệnh nhân này cảm thấy khó tiểu, tiểu rát, thỉnh thoảng nước tiểu có máu, nhưng nghĩ mình bị viêm đường tiết niệu thông thường. Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc, tình trạng bệnh trên vẫn không hề thuyên giảm, gia đình đã đưa anh đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) để kiểm tra.
Tại đây, sau khi chẩn đoán hình ảnh trên CT bụng, các bác sĩ phát hiện 2 khối bướu bàng quang kích thước khoảng 4x5cm và 3x1,5cm. Kết quả mô học sau mổ cắt đốt nội soi sinh thiết cho thấy đây là dạng ung thư tế bào chuyển tiếp bàng quang giai đoạn T2b, đã xâm lấn vào lớp cơ của bàng quang.
PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân nhận định, tình thế của bệnh nhân này cần phải cắt bàng quang để ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn và tái tạo một bàng quang nhân tạo làm nơi chứa nước tiểu để đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh sau điều trị.
Tuy nhiên, nếu phải dùng “dao kéo” để phẫu thuật cắt bàng quang thì sẽ cực kỳ rất khó vì vùng chậu nhỏ hẹp, hơn nữa khu vực bàng quang có tỷ lệ tái phát cao. Do đó,các bác sĩ quyết định sử dụng robot để thực hiện bóc tách, cắt lọc các mô quanh bàng quang.
Bác sĩ Hoàng cho biết, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ điều khiển các cánh tay robot nắm giữ chắc chắn các dụng cụ phẫu thuật thực hiện bóc tách hai niệu quản, mặt sau bàng quang và hai túi tinh, mặt trước bàng quang, tuyến tiền liệt và thực hiện kẹp, khâu nối dễ dàng mà không làm tổn thương các động mạch, tĩnh mạch quan trọng trong vùng chậu của người bệnh. Riêng cánh tay thứ 4 của robot thực hiện chức năng vén và giữ chắc các mô gần vùng thao tác, giúp bộc lộ rõ trường mổ và màn hình 3D với camera phóng đại 12 lần đã hỗ trợ rất tốt cho các bác sĩ trong các thao tác phẫu thuật tinh tế.
Sau khi hoàn tất bước cắt bỏ và đưa bàng quang ra ngoài, các bác sĩ tiếp tục thực hiện tạo hình bàng quang bằng hồi tràng. Cánh tay robot uyển chuyển đã khâu nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang nhân tạo bằng ruột non chính xác và nhanh chóng.
“Cuộc phẫu thuật được tiến hành thành công, robot đã cắt tận gốc bàng quang và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng nhằm đảm bảo chức năng tiểu tiện qua đường niệu đạo cho người bệnh”, bác sĩ Hoàng cho hay.
Theo bác sĩ Hoàng, ung thư bàng quang hiện là loại ung thư đứng hàng thứ 9 trong số các loại ung thư phổ biến trên thế giới. Nguyên nhân gây ung thư bàng quang chưa được xác định nhưng người hút thuốc lá, làm việc trong môi trường có tiếp xúc với hóa chất, nhiễm một số loại khuẩncó nguy cơ cao mắc loại ung thư này.Người mắc ung thư bàng quang thườngtiểu ra máu và rối loạn đi tiểu (tiểu buốt, tiểu rát, tiểu khó…). Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh lý lành tính của đường tiết niệu nên nhiều người bệnh dễ chủ quan, dẫn tới chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị.
Hồ Quang