Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Myanmar bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 - 20.4.

Việt Nam-Myanmar cam kết đẩy mạnh hơn nữa về thương mại, đầu tư

TTXVN | 19/04/2018, 20:51

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Myanmar bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 - 20.4.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi trên cương vị Cố vấn Nhà nước, trong bối cảnh hai bên vừa thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8.2017.

Chiều 19.4, lễ đón Cố vấn Nhà nướcLiên bang Myanmar Aung San Suu Kyi đã diễn ra long trọng tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với bà Aung San Suu Kyi.

Thủ tướng Chính phủ và Cố vấn Nhà nước Myanmar bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Myanmar trong hơn 40 năm qua, cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 8.2017 đã đưa quan hệ hai nước sang trang mới. Hợp tác chính trị đã có được sự hiểu biết và tin cậy quan trọng. Hợp tác an ninh, quốc phòng được duy trì hiệu quả. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar.

Về định hướng quan hệ hai nước phát triển trong giai đoạn mới, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị ngoại giao thông qua việc đẩy mạnh các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân; thúc đẩy tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Myanmar; đồng thời sớm thông qua Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2018 - 2023, làm cơ sở triển khai thực chất và hiệu quả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Lãnh đạo hai nước cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại - đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi; khẳng định tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỉUSD và cao hơn nữa.

Phía Myanmar đánh giá cao các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân Myanmar. Bà Cố vấn đánh giá cao những chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kinh nghiệm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và cho rằng Myanmar sẽ xây dựng các chính sách thương mại, đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao; nhất trí tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng trong năm 2018; thúc đẩy đàm phán để sớm ký Thỏa thuận Phòng chống tội phạm cũng như các thỏa thuận/hiệp định khác như Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục phát huy những lĩnh vực hợp tác quan trọng khác gồm tài chính, viễn thông, năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp, giao lưu nhân dân; hoan nghênh việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, tư pháp, giáo dục, văn hóa; nhất trí sớm ký các thỏathuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh hợp tác song phương, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Phong trào Không liên kết, Liên Hợp Quốc; cam kết phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực; tăng cường hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ Myanmar sớm trở thành thành viên chính thức Ủy hội sông Mekong (MRC).

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ngay sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã chứng kiến lễ ký kết hai văn kiện hợp tác giữa hai nước gồm: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin.

Theo TTXVN/Tin tức
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam-Myanmar cam kết đẩy mạnh hơn nữa về thương mại, đầu tư