Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng việc Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ có thể khiến Mỹ đưa ra một số biện pháp trừng phạt với nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động sẽ không nhiều vì chúng ta đã có những hành động rất nhanh khi đối mặt với những thông tin xấu.
Tại hội thảo “Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản” diễn ra ngày 18.12 ở TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Giảng viên Trường Đại Học Fulbright Việt Nam nói rằng việc Mỹ mới đây đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ không có ảnh hưởng đáng kể.
Vấn đề là nếu đưa vào danh sách thì hình thức trừng phạt từ phía Mỹ ra sao, đây mới là tác động. Nếu không có hình thức trừng phạt, chúng ta chỉ đang bị sức ép và phải có động thái đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, sắp tới Việt Nam phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, tức sẽ có lên có xuống.
“Theo tôi, quan điểm nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam vì tỷ giá ổn định là quan điểm sai lầm. Việc tỷ giá ổn định là áp lực trong nước, nhiều doanh nghiệp muốn ổn định, nhưng về mặt kinh tế thì tỷ giá là thị trường. Muốn là nền kinh tế thị trường thì tỷ giá phải lên xuống hàng ngày, mà chúng ta lại muốn ổn định.
Tôi cho rằng sắp tới, tỷ giá phải điều hành linh hoạt hơn, sẽ có lên có xuống. Kịch bản xấu nếu như có hành động trừng phạt của Mỹ, chẳng hạn như áp thuế thì sẽ rất tiêu cực. Đồng tiền sẽ bị mất giá trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn đồng tiền xuống xong sẽ phải lên trở lại.
Nếu tình huống xấu xảy ra, chưa chắc chúng ta có bức tranh màu hồng là dòng vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Nhà đầu tư vẫn sợ rủi ro khi Việt Nam vẫn ở trong danh sách thao túng tiền tệ. Đây là những tác động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào. Ngoài ra, các doanh nghiệp và ngành hàng xuất sang thị trường Mỹ sẽ chịu sức ép. Tuy nhiên, nếu nhìn trên diện rộng thì bản thân nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Thành nói.
Về tăng trưởng kinh tế năm 2021, ông Thành dự báo nền kinh tế được hỗ trợ bởi tác động tích cực đến từ việc Việt Nam kiểm soát tốt COVID-19. Hậu COVID-19, tính hấp dẫn của nền kinh tế, kể cả tiềm năng tăng trưởng và vị thế Việt Nam được hưởng lợi từ chuyển dịch xu thế toàn cầu.
Ông Thành nhìn nhận việc ổn định vĩ mô thời gian qua là tiền đề rất tốt cho nền kinh tế tăng trưởng và sự hỗ trợ từ sức cầu nội địa tăng lên, chứ không chỉ phụ thuộc dòng vốn nước ngoài.
Trước đó, ngày 16.12, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về “chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Tại báo cáo tháng 12.2020, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính nước này cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn, thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tại báo cáo tháng 12.2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.