Dù tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế đang tăng mạnh nhưng vốn rót vào các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM lại sụt giảm nghiêm trọng. Nó đang cho thấy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI ở TP.HCM đang bị bào mòn nhanh hơn dự đoán, và đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.

Cần điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI từ trường hợp của TP.HCM

Nhàn Đàm | 15/08/2016, 11:30

Dù tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế đang tăng mạnh nhưng vốn rót vào các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM lại sụt giảm nghiêm trọng. Nó đang cho thấy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI ở TP.HCM đang bị bào mòn nhanh hơn dự đoán, và đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.

Tính đến thời điểm hiện tại, dù mới chỉ bước vào trung tuần tháng 8nhưng có thể nói 2016 có thể là một năm bội thu tiếp theo của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20.7 tổng vốn đăng ký FDI của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt khoảng 12,94 tỉ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước;trong đó vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm đạt 8,6 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015.

Đây được xem là kết quả của việc Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do một loạt các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết. Tuy nhiên, đang xuất hiện những dấu hiệu của xu hướng dịch chuyển đầu tư quan trọng và rất đáng chú ý, khi dù tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế đang tăng mạnh nhưng vốn rót vào các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM lại sụt giảm nghiêm trọng. Điều nàydường như đang là chỉ dấu quan trọng, có thể sẽ khiến Việt Nam buộc phải xem xét và điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI trong tương lai của mình.

Trong khi tổng vốn FDI đăng ký vào nền kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng tới 46,9% còn vốn thực hiện cũng tăng tới 15,5% so với cùng kỳ 2015, thì tổng vốn đầu tư FDI vào TP.HCM trong cùng giai đoạn không những không tăng mà còn giảm tới 68%. Trong năm 2015, TP.HCM đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đăng ký lên tới 4,5 tỉ USD, thì ở thời điểm hiện tại trung tâm kinh tế số một của Việt Nam này lại đang là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ thu hút vốn FDI sụt giảm cao nhất cả nước. Về lý thuyết, khi nguồn vốn FDI đổ vào nền kinh tế Việt Nam gia tăng, thì phần lớn trong số đó sẽ tập trung tại các trung tâm kinh tế lớn mà TP.HCM là một điển hình, nơi không chỉ có nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt, các ưu đãi về thuế phí mà còn ở gần thị trường tiêu thụ lớn. Nhưng thực tế có vẻ như lại đang hoàn toàn ngược lại.

Những lý do chính khiến vốn đầu tư FDI vào TP.HCM sụt giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm, được cho là các ưu thế về thu hút vốn của thành phố đã gần như cạn kiệt. Chẳng hạn như nguồn nhân lực lao động có chất lượng không đồng đều, lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế khi chi phí đang gia tăng khá mạnh; ngoài ra còn do những yếu kém về hạ tầng mà điển hình là quỹ đất trống đã gần hết, các ngành công nghiệp phụ trợ yếu và thủ tục hành chính còn rườm rà. Đây được xem là những lý do khiến các nhà đầu tư chọn các tỉnh thành khác của Việt Nam thay vì TP.HCM dù đâyvẫn được xem là trung tâm kinh tế số một của đất nước.

Câu chuyện về sự nghịch lý trong thu hút vốn FDI của TP.HCM trên thực tế không có gì là lạ lùng. Đâyđang là trường hợp điển hình cho một xu hướng không thể cưỡng lại: các trung tâm kinh tế lớn nơi các lợi thế thu hút vốn đầu tư có tốc độ bị bào mòn nhanh nhất, sau một thời gian nhất định sẽ không còn là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư như trước nữa. Chi phí nhân công gia tăng mạnh nhất là ở các thành phố lớn, trong khi quỹ đất trống tại các khu công nghiệp thì không còn nhiều, là những lý do chủ yếu khiến vốn đầu tư FDI vào TP.HCM sụt giảm, bên cạnh các vấn đề khác như thủ tục hành chính hay hạ tầng quá tải.

Đây cũng đồng thời là vấn đề đang chờ đón nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần, khi mà các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư như giá nhân công hay ưu đãi về đất đai và thuế phí cũng sẽ cạn kiệt theo trường hợp của TP.HCM. Đã có những dấu hiệu về sự dịch chuyển này, khi các đơn hàng dệt may của các đối tác nước ngoài đang có xu hướng chuyển từ Việt Nam sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Campuchia, Myanmar, Bangladesh. Theo thống kê, tỷ lệ thuế phí trên lợi nhuận lên tới 39-40% mà các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài phải chi trả tại Việt Nam cao hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính việc chiến lược thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong những năm qua không rõ ràng, khi quá tập trung vào các dự án có tính chất gia công, thâm dụng lao động đơn giản như dệt may hay lắp ráp. Chính vì tập trung vào thu hút những dự án FDI dạng này nên dẫn tới hai hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Thứ nhất là các lợi thế cơ bản như giá nhân công hay thuế phí sẽ rất nhanh chóng bị bào mòn và Việt Nam sẽ không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nữa trong khi những gì chúng ta nhận được là quá ít. Thứ hai, vì tập trung vào các dự án thâm dụng lao động gia công nên Việt Nam có xu hướng khuyến khích các ưu đãi trực tiếp như giảm thuế phí, mà lơ là đi vấn đề còn quan trọng hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách nền kinh tế. Đóvốn là những yêu cầu cần thiết để thu hút các dự án FDI cao cấp hơn là các dự án công nghệ cao và hiện đại. Các dự án FDI công nghệ cao và quy mô lớn thường bền vững hơn và có giá trị với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với các dự án thâm dụng lao động gia công kể trên, do nó ít phụ thuộc vào những yếu tố như chi phí nhân công hay thuế phí.

Chiến lược của TP.HCM giờ đây là hướng tới thu hút các dự án FDI công nghệ cao do các lợi thế cơ bản để thu hút các dự án dạng thâm dụng lao động gia công công nghệ thấp đã không còn.Để làm được điều đó thì TP.HCM đang phải tiến hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách nền kinh tế. Điển hình là cải cách hành chính và thủ tục hải quan, thuế quan; nâng cấp cơ sở hạ tầng và nhất là có các biện pháp hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư FDI công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Và đây cũng là những gì mà các tỉnh thành khác trong cả nước phải thực hiện nếu như không muốn chấp nhận mãi thân phận gia công, mà thực tế thì có muốn giữ thân phận gia công mãi cũng không được, khi chi phí nhân công sẽ đến lúc gia tăng và các nhà đầu tư nước ngoài dứt áo ra đi.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI từ trường hợp của TP.HCM