Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn.

Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép tại Trường Sa

Lam Thanh | 18/11/2021, 18:40

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn.

Yêu cầu Đài Loan chấm dứt hoạt động trái phép tại Ba Bình

Chiều 18.11, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về việc tàu ngầm của Đài Loan tập trận trong vùng biển gần đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Theo đó, mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai.

bng.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng chỉ trích tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong mọi hoạt động ở trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.

Có kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế

Báo chí cũng hỏi Bộ Ngoại giao về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và dự kiến khi nào kiều bào và người Việt đã tiêm đủ hai mũi vắc xin có thể về nước với thời gian cách ly ngắn hơn 7 ngày.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ ngày 11.10.2021 về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Trên tinh thần đó, ngày 8.11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước theo lộ trình từ nay đến quý 3/2022. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương và toàn quốc nói chung; tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân; góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới.

Người phát ngôn cũng cho biết vừa qua, Chính phủ cũng đã đồng ý các kiến nghị của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, đồng ý về nguyên tắc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang hộ chiếu vắc xin, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân về nước để thăm thân, tham quan, du lịch (như quy định tại Nghị định 82 năm 2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam).

Hiện nay Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào thời điểm phù hợp.

Một số phụ nữ Việt bị lạm dụng, đánh đập khi làm giúp việc tại Ả-rập Xê-út

Cũng trả lời báo chí tại cuộc họp báo, đầu tháng 11.2021, báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em.

Cụ thể là việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012, Luật trẻ em năm 2016. Việt Nam cũng đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài; đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong đó đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhận được một số phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây. Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng phối hợp với công ty phái cử của các lao động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp với chủ sử dụng, bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp như vừa qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng nỗ lựckhắc phục mọi khó khăn, phối hợp với các cơ quan chức năng, các hãng hàng không tổ chức nhiều chuyến bay, cho đến nay đưa khoảng gần 800 công dân về nước.

Theo người phát ngôn, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tổ chức thêm các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân, cũng như phù hợp với tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như năng lực cách ly của Việt Nam.

Gần đây báo chí có đưa tin về việc một nhóm lao động của Việt Nam đang bị giam cầm tại một nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Serbia. Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia.

Đại sứ quán cho biết đã có thông tin từ một số báo chí của Serbia và hiện đang nỗ lực xác minh thông tin, trước hết là liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử và các cơ quan liên quan tại sở tại.

Thông tin ban đầu của Đại sứ quán cho biết không có chuyện bị hành hung và đánh đập. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia.

Bài liên quan
Apple mất 113 tỉ USD vốn hóa thị trường sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ và 16 bang kiện
Các nhà quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang để mắt tới Apple khiến các nhà đầu tư lo ngại về khoản tiền phạt và đe dọa sự thống trị thị trường của công ty này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép tại Trường Sa