Liên quan đến chuyến bay VJ 88882 Đà Nẵng – Hà Nội bị hủy "vô lý", mới đây các hành khách của Vietjet Air đã đồng loạt lên tiếng tố hãng này vi phạm điều lệ vận chuyển hàng không.

Vietjet Air bị tố vi phạm điều lệ vận chuyển hàng không

20/02/2014, 11:28

Liên quan đến chuyến bay VJ 88882 Đà Nẵng – Hà Nội bị hủy "vô lý", mới đây các hành khách của Vietjet Air đã đồng loạt lên tiếng tố hãng này vi phạm điều lệ vận chuyển hàng không.

Trước đó, anh Nguyễn Trà Sơn, mã đặt chỗ 1145448 cho đoàn 6 người, gồm 4 người lớn, và 2 trẻ em, là hành khách của chuyến bay VJ8882, Đà Nẵng – Hà Nội, dự kiến khởi hành vào lúc 18h20 ngày 17.2.
Tuy nhiên, lúc 13h ngày 17.2, anh Sơn có nhận được tin nhắn SMS thông báo lịch bay thay đổi, khởi hành vào lúc 21h05. 20 phút sau, tổng đài chăm sóc khách hàng của Vietjet Air gọi điện cho anh Sơn thông báo lý do thay đổi lịch bay là do vấn đề kỹ thuật.
Đến 18h24 cùng ngày, anh Sơn lại nhận được tin nhắn SMS thông báo sẽ chuyển chuyến bay VJ 8882 thành VJ 8880, dự kiến khởi hành lúc 9h35 ngày 19.02, tức là 2 ngày sau.
Vietjet Air bi to vi pham dieu le van chuyen hang khong
Tin nhắn thay đổi chuyển chuyến bay mà anh Sơn nhận được
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vào lúc, 19h37 ngày 17.02, tổng đài chăm sóc khách hàng của Vietjet Air thông qua số điện thoại 08 3910 9829 gọi điện thông báo lý do thay đổi lịch bay là do vấn đề thời tiết.
Anh Sơn cho biết, mình đã hỏi lại tổng đài viên là: “Tôi đã hỏi nhân viên tổng đài rằng, trong trường hợp hủy chuyến, dời lịch bay lại 2 ngày, Vietjet Air sẽ hỗ trợ hành khách trong thời gian chờ đợi như thế nào? Thì nhận được câu trả lời: “Vietjet Air không có chính sách hỗ trợ hành khách trong trường hợp này mà chỉ chấp nhận hoàn lại tiền vé hành khách đã thanh toán". Tuy nhiên, việc hoàn vé này chỉ được diễn ra trong 2 – 4 tuần sau đó, và tôi chỉ được nhận tiền tại nơi đã mua vé là phòng vé Hà Nội" - anh Sơn cho biết.
Ngày 18.2, do không thể chờ đợi được chuyến bay của hãng, đoàn của anh Sơn đã phải chấp nhận ra sân bay mua vé của hãng khác để ra Hà Nội. Tại sân bay Đà Nẵng, anh Sơn có kiểm tra lại với nhân viên tên Trang tại quầy của Vietjet Air thì lại nhận được thông tin hủy chuyến bay VJ8882 là do máy bay của hãng đang trong thời gian bảo dưỡng, tuy nhiên việc bảo dưỡng không kịp nên hãng phải hủy chuyến và chuyển toàn bộ 180 hành khách sang chuyến bay ngày 19.02.
Khi đó, anh Sơn đã yêu cầu nhân viên phòng vé Vietjet Air hoàn tiền tại sân bay để có tiền mua vé của hãng khác, kịp thời xử lý công việc nhưng không được đáp ứng mà chỉ hoàn trả tiền cho anh vào tài khoản, có thể nhận được sau 2 – 4 tuần sau.
"Sau khi về đến Hà Nội bằng chuyến bay của Jestar lúc 17h ngày 18.2, tôi đã thay mặt cho cả đoàn viết email đề nghị Vietjet Air trả lời về việc hãng này có những hành xử với khách hàng không đúng pháp luật, cụ thể là theo thông tư của Bộ GTVT" - anh Sơn nói.
Đến 19h cùng ngày, anh Sơn nhận được điện thoại từ tổng đài chăm sóc khách hàng của Vietjet Air, xin lỗi vì sự cố của chuyến bay và hứa sẽ bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.
"Việc xin lỗi này tuy có chậm nhưng ít ra còn chứng tỏ Vietjet Air có quan tâm đến phản hồi của khách hàng hàng và dư luận. Tuy nhiên, tôi vẫn đang chờ đợi một văn bản xin lỗi và trả lời chính thức cho các khiếu nại của chúng tôi từ hãng" - anh Sơn chia sẻ
Theo anh Sơn, tại điều 7 của Thông tư số 26/2009/TT-BGTVT đã quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Theo đó, toàn bộ quá trình xử lý việc hủy chuyến, đặc biệt là các vấn đề không hỗ trợ chỗ ăn/nghỉ cho hành khách tại Đà Nẵng trong thời gian hủy chuyến, chuyển chuyến bay mới; Không hỗ trợ hành khách chuyển sang chuyến bay có đường bay tương đương của các hãng khác cùng sân bay; Không giải quyết hoàn vé cho hành khách tại sân bay khi có yêu cầu; Không trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách theo quy định pháp luật về bồi thường ứng trước không hoàn lại,… là sai quy định của pháp luật.
Thông tư số 26/2009/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 28 tháng 10 năm 2009, Quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Điều 7: Nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến, gián đoạn vận chuyển, không chấp nhận vận chuyển
1. Trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên, hãng hàng không có nghĩa vụ thông báo cho hành khách với tần suất 15 phút/lần bằng hệ thống phát thanh tới hành khách các thông tin liên quan đến chuyến bay, cụ thể như sau:
a) Số hiệu chuyến bay và chặng bay;
b) Lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển;
c) Thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế;
d) Kế hoạch phục vụ hành khách;
đ) Bộ phận trợ giúp hành khách (vị trí, dấu hiệu nhận biết);
e) Xin lỗi hành khách.
2. Trường hợp hành khách đã nhận được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm do lỗi của hãng hàng không, hãng hàng không có nghĩa vụ phục vụ hành khách theo quy định như sau:
a) Thời gian chậm từ 02 (hai) giờ trở lên phục vụ uống nhẹ;
b) Thời gian chậm từ 03 (ba) giở trở lên phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm phục vụ: từ 06 giờ 00 hoặc đến 08 giờ 00 phục vụ bữa sáng; từ 12 giờ 00 đến 14 giờ 00 phục vụ bữa trưa; từ 19 giờ 00 đến 21 giờ 00 phục vụ bữa tối.
c) Đối với các chuyến bay trong ngày có thời gian chậm từ 06 (sáu) giờ trở lên: bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của sân bay.
d) Đối với các chuyến bay bị chậm mà thời gian hành khách phải chờ đợi dự kiến từ 06 (sáu) giờ trở lên trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 07 giờ sáng ngày hôm sau, hãng hàng không phải bố trí phương tiện đưa đón khách về khách sạn, ưu tiên đối với hành khách đặc biệt.
đ) Chuyển đổi hành trình của hành khách để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất;
3. Trường hợp hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển do lỗi của hãng hàng không, hoặc chuyến bay bị hủy do lỗi của hãng hàng không, hãng hàng không có nghĩa vụ:
a) Thông báo cho hành khách biết lý do;
b) Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 của Điều này;
c) Trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách theo quy định pháp luật về bồi thường ứng trước không hoàn lại;
d) Thực hiện nghĩa vụ thay thế các nghĩa vụ quy định tại các điểm b và c của khoản này theo thỏa thuận với hành khách.
4. Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm, không được chấp nhận vận chuyển không phải do lỗi của hành khách hoặc chuyến bay bị hủy, hãng hàng không có nghĩa vụ giải quyết việc chi hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng cho hành khách ngay tại sân bay nếu khách có yêu cầu hoặc tại các Văn phòng chi nhánh và đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định, trên cơ sở tờ hành trình hoặc phiếu thu do hãng hàng không xuất hoặc xuất dưới danh nghĩa của hãng hàng không chuyên chở. Việc hoàn vé cho khách được quy định như sau:
a) Miễn trừ điều kiện hạn chế về hoàn vé và phí hoàn vé theo thỏa thuận (nếu có);
b) Vé hoàn toàn chưa được sử dụng, khoản chi hoàn sẽ bằng số tiền vé mà khách đã trả; tiền vé bao gồm các khoản: giá cước (Air Fare); các khoản thuế, phí do Chính phủ, nhà chức trách sân bay quy định, giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay mà hãng hàng không thu hộ; và các khoản phí khác có liên quan;
c) Vé đã được sử dụng một phần, khoản chi hoàn sẽ không thấp hơn chênh lệch giữa tiền vé đã trả và tiền vé áp dụng cho hành trình hành khách và các dịch vụ khác đã sử dụng.
Thu Giang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vietjet Air bị tố vi phạm điều lệ vận chuyển hàng không