PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong đại dịch lần này, không chỉ riêng ngành hàng không thiệt hại. Nếu nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines thì không thể bỏ qua những ngành bị ảnh hưởng tương tự, bất kể tư nhân hay nhà nước.

Vietnam Airlines xin hỗ trợ, chuyên gia nói gì?

22/07/2020, 11:47

PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong đại dịch lần này, không chỉ riêng ngành hàng không thiệt hại. Nếu nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines thì không thể bỏ qua những ngành bị ảnh hưởng tương tự, bất kể tư nhân hay nhà nước.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh: L.T

Nên cho Vietnam Airlines vay với lãi suất thấp

Tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, TS Cấn Văn Lực cho biết các nước trên thế giới có một số giải pháp chính hỗ trợ ngành hàng không như giãn hoãn thuế, các nghĩa vụ trả nợ khác (ví dụ lãi ngân hàng), giảm các loại chi phí (ví dụ phí thuê sân đỗ, phí môi trường trong xăng dầu), trợ cấp trả lương cho người lao động, cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn thanh khoản.

Ông Lực cho rằng “giải cứu” ngành hàng không là việc làm cần thiết và phù hợp, bởi ngành này chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 với suy giảm lên tới 60% - 70% và thời gian phục hồi mất 2 - 3 năm. Ngoài ra, hàng không cũng là một trong những ngành thiết yếu, có tác động lan tỏa tới 35 ngành nghề liên quan. Tuy nhiên, việc “giải cứu” thế nào lại là một câu chuyện đáng bàn khác.

Ông Lực cho rằng về lý, nhà nước phải hỗ trợ cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân theo nguyên tắc không phân biệt. Mức độ hỗ trợ tùy thuộc vào thị phần và đóng góp của mỗi doanh nghiệp. Giả như nhà nước cứu riêng Vietnam Airlines và thiếu công bằng với các hãng khác thì họ có quyền phản ánh.

Theo ông Lực, ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines hoàn toàn có khả năng phục hồi tốt, vì những năm qua ngành đã tăng trưởng 20% - 25%.

Nói về giải pháp hỗ trợ, ông Lực cho rằng việc này các nước đã làm. “Vietnam Airlines cần hỗ trợ 12.000 tỉ. Tôi nghĩ có thể dùng tiền ngân sách nhà nước để cho vay với lãi suất thấp, khoảng 4%”.

“Cái này liên quan đến dư địa. Quan điểm của tôi là ta đúng là có thâm hụt ngân sách, bài toán nợ công cũng phải tính, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, ta phải chấp nhận hy sinh một số thứ. Ta phải cứu doanh nghiệp, cứu việc làm, vì đó cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. Nghĩa là ta phải chấp nhận trả cái giá hiện nay”.

Chuyên gia này cũng nêu một góc nhìn rằng nhà nước hiện nay cũng như một nhà đầu tư chuyên nghiệp, rót vốn vào doanh nghiệp 3 - 5 năm rồi thoái vốn. "Với triển vọng ngành hàng không, nhà nước sẽ có lãi sau 3 - 5 năm. Cái này chính phủ Mỹ đã làm khi cứu 3 ngân hàng, họ lãi 30 tỉ USD sau 3 năm đầu tư", ông nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng trong đại dịch lần này, không chỉ riêng ngành hàng không thiệt hại. Không những vậy, ngành này còn “may mắn” khi vẫn khai thác được đường bay nội địa.

Do đó, “nếu nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines thì không thể bỏ qua những ngành bị ảnh hưởng tương tự, bất kể tư nhân hay nhà nước”, ông Thế Anh nói.

Ông Thế Anh cho rằng đối với doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hướng vào chi phí thay vì lợi nhuận, vì điều này mang lại sự công bằng.

Với riêng Vietnam Airlines, ông Thế Anh nêu quan điểm rằng dòng tiền của doanh nghiệp này còn tốt hơn các doanh nghiệp khác, trong bối cảnh chịu tác động chung của đại dịch.

“Tôi nghĩ Vietnam Airlines có thể thu được dòng tiền nhờ bán vé trả trước. Họ đã bán vé cả năm và thu trước. Thực tế là nhu cầu mua vé năm cũng khá cao. Trường hợp dòng tiền kém, tôi nghĩ họ có thể bán cả năm sau. Đó là lợi thế của Vietnam Airlines so với các doanh nghiệp khác”.

Đề cập đến phương án dùng ngân sách nhà nước “cứu” Vietnam Airlines, kinh tế trưởng của VEPR cho rằng đây nên là biện pháp cuối cùng được tính đến, vì nó liên quan đến nguồn lực tài chính.

Trong cỗ xe tam mã, chỉ con ngựa đầu tư công chạy tốt

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái nặng nề, là thách thức với các nhà điều hành chính sách”, ông Bảo nói.

Bình luận về phương thức kéo tăng trưởng năm 2020 của chính phủ - hình ảnh cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) -, ông Bảo cho rằng trong ba con ngựa, chỉ có con ngựa đầu tư công là chạy tốt.

Theo ông, xuất khẩu trong 6 tháng tới khó lòng là động lực tăng trưởng, bởi kinh tế toàn cầu suy thoái, tổng cầu giảm mạnh. “Việc xuất khẩu tốt hay xấu không phụ thuộc vào ý chí của chính phủ. Do đó nói đẩy mạnh xuất khẩu chỉ là mong muốn, còn nó có thành động lực tăng trưởng hay không thì phải nói là rất khó”.

Về tiêu dùng, ông Bảo cũng chỉ ra người dân hiện nay đang thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung chi cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, rất khó để tiêu dùng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, ông Bảo cho rằng chỉ có đầu tư công là hiệu quả nhất, vì tiền bơm qua kênh đầu tư sẽ được nền kinh tế hấp thụ. Bơm tiền bằng kênh tiền tệ chưa chắc đã hấp thụ hết nhưng qua tài khóa - đầu tư thì đó sẽ là cú hích quan trọng, tạo công ăn việc làm, giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất và tạo bầu không khí lạc quan.

Thừa nhận vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn có những khó khăn, ông Bảo cho rằng chính phủ cần có những giải pháp đột phá để tăng tốc độ, vì trong thời điểm hiện nay “ít ai dám xé rào”.

Ông Bảo cho rằng chính phủ cần chấp nhận đánh đổi một số chỉ tiêu để đạt được điều quan trọng nhất và có ý nghĩa lâu dài. Năm 2020, suy thoái là hiện hữu. Nếu Chính phủ xác định “chống suy thoái như chống giặc” thì cần phải xem nhiệm vụ chống suy thoái là tiên quyết. Để chống suy thoái, chính phủ nên chấp nhận hy sinh một số chỉ tiêu, ví dụ như lạm phát.

“Tất nhiên, hy sinh chỉ tiêu lạm phát không có nghĩa là chính phủ để vật giá leo thang không kiểm soát. Nhưng nếu chính phủ cương quyết kìm giữ lạm phát thì điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu khác. Bây giờ chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu quá, nào chống suy thoái, nào đảm bảo tỷ lệ nợ công/GDP, nào ổn định tỷ giá và chống lạm phát cao… Câu chuyện bây giờ là đánh đổi”, ông Bảo bình luận.

Lam Thanh

Bài liên quan
Boeing tiến hành thương vụ mua nhiên liệu hàng không bền vững lớn nhất từ trước đến nay
Thông tin từ Tập đoàn Boeing, Mỹ cho biết, hãng sẽ mua vào 9,4 triệu gallon (tương đương 35,6 triệu lít) nhiên liệu hàng không bền vững pha trộn nhằm hỗ trợ các nghiệp vụ thương mại trong năm 2024, giảm lượng phát thải cacbon và góp phần hỗ trợ phát triển nguồn cung ứng nhiên liệu trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vietnam Airlines xin hỗ trợ, chuyên gia nói gì?