Các luật sư cho rằng vấn đề mấu chốt là Grab có vi phạm không và vi phạm đó của Grab có gây ra thiệt hại và toàn bộ thiệt hại cho Vinasun hay không? Việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun có phải là thiệt hại do Grab gây ra hay không?

Vinasun kiện Grab: Đâu mới là mấu chốt vấn đề?

25/10/2018, 14:43

Các luật sư cho rằng vấn đề mấu chốt là Grab có vi phạm không và vi phạm đó của Grab có gây ra thiệt hại và toàn bộ thiệt hại cho Vinasun hay không? Việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun có phải là thiệt hại do Grab gây ra hay không?

Vinasun kiện Grab ra tòa, đòi bồi thường - Ảnh: Vietnambiz

Liên quan vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam bồi thường, việc Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã yêu cầu Grab bồi thường cho VinaSun 41,2 tỉ đồng vì những thiệt hại mà doanh nghiệp này gây ra cho Vinasun.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Kiều Anh Vũ - Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho rằng, đề nghị của kiểm sát viên về quan điểm giải quyết vụ án không phải là kết luận, quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử.

Ông Vũ cho rằng cần phải làm rõ 3 vấn đề: Grab là công ty công nghệ công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, hay là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải có ứng dụng công nghệ? Grab có vi phạm quy định của pháp luật về đề án thí điểm, quảng cáo, cạnh tranh... hay không? Tiếp theo là có đủ cơ sở để buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hay không.

Theo ông Vũ, không thể quản lý Grab theo kiểu “truyền thống” nhưng cũng vẫn cần khung pháp lý đủ hài hòa, công bằng cho hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Trên thế giới đã có tiền lệ vụ kiện đối với Uber tại Tòa Công lý Châu Âu, Tòa này đã phán quyết theo hướng Công ty Uber cũng là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải.

Bên cạnh đó, luật sư này cho rằng giả định Grab có vi phạm quy định của pháp luật về Đề án thí điểm... thì Grab chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan có thẩm quyền về những vi phạm đó, ví dụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo quy định của pháp luật... không phải bồi thường cho Vinasun.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, một bên chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật, bao gồm hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của người vi phạm.

“Việc chứng minh này tất nhiên không dễ dàng, đòi hỏi phải thu thập nhiều chứng cứ. Tòa án sẽ xem xét, đánh giá để có quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận yêu cầu khởi kiện hay không và chấp nhận đến mức độ nào”, ông Vũ nói.

Luật sư này cho rằng vấn đề mấu chốt là Grab có vi phạm không và vi phạm đó của Grab có gây ra thiệt hại và toàn bộ thiệt hại cho Vinasun hay không? Việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun có phải là thiệt hại do Grab gây ra hay không?

“Tôi cho rằng rất khó chứng minh, thậm chí là có khả năng không tồn tại quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab (nếu có) đối với thiệt hại (nếu có) của Vinasun. Do đó, rất khó có thể chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun”, ông Vũ nói.

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì bên bồi thường phải là bên vi phạm pháp luật, vi phạm đó phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho bên bị thiệt hại và bên vi phạm phải có lỗi… Trong khi Grab chưa bị xử phạt về vấn đề này lần nào nên việc quy trách nhiệm cho lỗi của Grab là chưa có căn cứ.

Việc viện kiểm sát yêu cầu tòa chấp nhận cho Vinasun yêu cầu Grab bồi thường trên 41,2 tỉ đồng cũng chưa có căn cứ. Cần phải triệu tập công ty định giá vụ việc này cũng như hồ sơ tài chính, kiểm toán của Vinasun xem tính hợp lệ của số tiền thiệt hại và sự khách quan của chứng thư thẩm định giá, nhưng tại phiên tòa đều không có bên thẩm định giá, kiểm toán và đại diện Bộ GTVT.

“Đây là vấn đề cạnh tranh nên giao cho Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương giải quyết theo tôi sẽ hợp lý, sau đó các bên mới có cơ sở ra tòa án”, ông Hùng nêu.

Nhận định về vụ việc này bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng vụ kiện giữa Vinasun và Grab đang được TAND TP.HCM xem xét về bản chất là kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Đối với việc xét xử các vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật Tố tụng Dân sự đã có quy định cụ thể về trình tự giải quyết, các bên đương sự phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình.

“Bên đi kiện (bên nguyên đơn) phải đưa ra căn cứ về việc bên kia đã có hành vi vi phạm và vi phạm những quy định nào của pháp luật. Hành vi ấy gây ra hậu quả thiệt hại cho mình như thế nào, nghĩa là phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả, từ đó buộc bên kia phải có trách nhiệm bồi thường”, luật sư Nguyễn Chiến nhấn mạnh.

Theo ông Chiến, tòa án đóng vai trò trung gian tiếp nhận tài liệu chứng cứ của các bên, từ đó có các phán quyết phân xử phù hợp với nguyên tắc chung. Để có phán quyết cuối cùng chính xác, khách quan, toà án phải xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ.

“Nếu Vinasun đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng thì vấn đề mấu chốt là họ cần chứng minh được họ đã bị thiệt hại về kinh tế tương đương với số tiền này”, ông Chiến nói và cho rằng trong vụ việc của Vinasun và Grab, cần có một đơn vị thẩm định độc lập, được Nhà nước công nhận để xem xét yêu cầu của bên khởi kiện nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

Luật sư Nguyễn Chiến còn cho rằng, việc một bên đưa tài liệu chứng cứ cho tòa án nhưng lại yêu cầu tòa không cung cấp cho bên kia cần được xem xét lại. Khi đã tham gia quá trình tố tụng, cả bên nguyên đơn và bị đơn đều có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ để tòa án xem xét đánh gá toàn diện, quyền của bên này là nghĩa vụ bên kia, bên này đưa ra yêu cầu, bên kia có quyền biết để phản bác.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinasun kiện Grab: Đâu mới là mấu chốt vấn đề?