Bị cáo Cao Minh Quang bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

VKS đề nghị HĐXX xử phạt cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang từ 30 - 36 tháng tù treo

Nhã Thanh | 22/11/2022, 10:58

Bị cáo Cao Minh Quang bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sáng 22.11, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Trước khi tranh luận, đại diện VKS tiến hành luận tội và đề nghị HĐXX cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) từ 30 - 36 tháng tù treo; Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) 24 - 30 tháng tù treo và Phạm Thị Minh Nga (chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A - Bộ Y tế) 18 - 24 tháng tù treo.

Nguyễn Nam Liên (cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A - Bộ Y tế) 24 - 30 tháng tù. Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) 30 - 36 tháng tù.

Cả 5 bị cáo trên đều bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

cac-bi-cao.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 21.11

Các bị cáo còn lại bị VKS truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) bị VKS đề nghị HĐXX xử phạt từ 9 - 10 năm tù; Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) 6 - 7 năm tù và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP.HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) 6 - 7 năm tù.

Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) đã chết, VKS đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử vụ án đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

quang-canh-luan-toi.jpg
Đại diện VKS tiến hành luận tội - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Hợp thức hồ sơ, che giấu việc giảm giá

Theo VKS, trong thời gian phòng chống dịch cúm A (H5N1), ngành y  tế đã phát huy vai trò nòng cốt để đảm bảo sức khỏe cho toàn dân. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này đã xảy ra những sai phạm liên quan đến Công ty Dược phẩm Cửu Long, khiến Nhà nước bị thiệt hại 3,8 triệu USD. Để xảy ra thiệt hại nêu trên cũng do các cá nhân của Bộ Y tế đã thiết trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ chức trách được giao.

Cụ thể, thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir phòng chống dịch cúm A (H5N1) tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thông báo giá thành sản xuất thuốc Oseltamivir của Bộ Tài chính, Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty CPDP Cửu Long) sản xuất thuốc Oseltamivir từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các hợp đồng kinh tế.

Theo quy định của pháp luật về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước, Công ty CPDP Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, Công ty CPDP Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn chỉ đạo Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Văn Thanh Hải hạch toán trái nguyên tắc kế toán.

Ngoài ra, bị cáo Hóa còn chỉ đạo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra; đồng thời chỉ đạo Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

vks.jpg
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa

VKS khẳng định Công ty CPDP Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá, trợ giá, đồng thời phải cung cấp thông tin về giá. Quá trình sản xuất thuốc, các bị cáo đã không tuân thủ các quy định nêu trên, giữ lại số tiền 3,8 triệu USD, gây thiệt hại cho Nhà nước.

VKS nhận định lời khai của các bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với các lời khai trong tài liệu hồ sơ vụ án nên việc VKS truy tố các bị cáo tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ.

Đối với nhóm tội danh này, theo VKS, bị cáo Lương Văn Hóa là người giữ vai trò chính, có trách nhiệm cao nhất. Các bị cáo còn lại bị VKS xác định có vai trò đồng phạm với bị cáo Hóa.

Chưa làm hết chức trách được giao

Đối với các bị cáo tại Bộ Y tế, theo VKS, bị cáo Dương Huy Liệu, Nguyễn Nam Liên và Phạm Thị Minh Nga được giao nhiệm vụ ký kết, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng sản xuất thuốc giữa Bộ Y tế và Công ty CPDP Cửu Long, quá trình thực hiện hợp đồng và khi thanh lý hợp đồng đã không xem xét, kiểm tra việc thực hiện điều khoản đàm phán, giảm giá mua nguyên liệu được quy định trong hợp đồng (không kiểm tra chứng từ thanh toán mua nguyên liệu; không yêu cầu báo cáo việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá).

Bị cáo Cao Minh Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ.

Tuy nhiên, bị cáo Cao Minh Quang đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD mà Công ty CPDP Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên không phát hiện được Công ty CPDP Cửu Long đã giữ lại, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

cac-bi-cao-2-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu xét xử

VKS nhận định bị cáo Cao Minh Quang đã không làm hết chức trách được giao. Các bị cáo còn lại thiếu trách nhiệm, chưa làm hết chức trách nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, làm rõ số tiền 3,8 triệu USD mà phía công ty được giảm giá nhưng không trả lại Bộ Y tế.

Theo VKS, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên việc truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án đều không có tình tiết tăng nặng. Các bị cáo đều có tình tiết giảm nhẹ được ghi nhận cụ thể trong cáo trạng, các bị cáo tự nguyện nộp số tiền khắc phục hậu quả nên VKS đề nghị HĐXX có thể xử phạt các bị cáo dưới khung hình phạt, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin vắng mặt

Tại phần xét hỏi đầu giờ sáng 22.11, HĐXX đề nghị đại diện Công ty CPDP Cửu Long cung cấp thông tin các cổ đông, số cổ phần họ nắm giữ, sổ cổ tức của họ trong 3 năm (2006, 2007, 2008).

Ngoài ra, HĐXX cũng công bố đơn xin vắng mặt tại phiên tòa của bị cáo Cao Minh Quang. Hiện bị cáo bị bệnh u não vùng xoang hang trái, đang điều trị tại bệnh viện. Lý do vắng mặt có căn cứ nên HĐXX chấp thuận điều này.

Trong phần luận tội, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX không nhất thiết áp dụng hình phạt tù, xem xét cho bị cáo Cao Minh Quang được hưởng án treo, thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Cùng với đó, HĐXX cũng cho biết hiện gia đình các bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa đã nộp 70 triệu đồng, Dương Huy Liệu nộp 80 triệu đồng, Nguyễn Văn Thanh Hải nộp 113 triệu đồng, Nguyễn Nam Liên nộp 200 triệu đồng, Phạm Thị Minh Nga nộp 50 triệu đồng, Nguyễn Việt Hùng nộp 100 triệu đồng, Cao Minh Quang nộp 1,5 tỉ đồng...

Bài liên quan
Ngày mai, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang hầu tòa để làm rõ vụ công ty dược biển thủ hơn 3,8 triệu USD
Theo cáo trạng, Cao Minh Quang không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ bản chất số tiền 3,8 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VKS đề nghị HĐXX xử phạt cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang từ 30 - 36 tháng tù treo