Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", 4 bị cáo ở Văn phòng Chính phủ bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

VKS khẳng định không có chuyện Nguyễn Quang Linh không nhận thức được tiền hối lộ

Nhã Thanh | 28/07/2023, 10:23

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", 4 bị cáo ở Văn phòng Chính phủ bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Theo kế hoạch, chiều nay (28.7), HĐXX TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án.

Việc truy tố là có căn cứ

Vụ án “chuyến bay giải cứu” không chỉ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các địa phương, mà ngay cả ở Văn phòng Chính phủ cũng có 4 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của một nguyên Phó thủ tướng) đã bị VKS đề nghị xử phạt từ 7 - 8 năm tù với cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng.

Nói lời sau cùng, Nguyễn Quang Linh gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ và đặc biệt xin lỗi vị lãnh đạo trực tiếp. “Chỉ vì không rèn luyện nên đã đánh rơi mất đạo đức”, bị cáo Linh nói.

nguyen-quang-linh-3-.jpg
Bị cáo Nguyễn Quang Linh tại phiên tòa xét xử - Ảnh: N.A

Trước đó, bào chữa cho Nguyễn Quang Linh, luật sư của bị cáo cho rằng không có căn cứ xác định bị cáo tác động để Công ty Lữ Hành Việt được cấp phép các chuyến bay; việc Linh tư vấn hồ sơ cho Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) chỉ mang tính chất cá nhân, ngoài nghiệp vụ của bị cáo, và không có hành vi thỏa thuận, o ép doanh nghiệp… Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị cho giải tỏa các tài sản đang bị tạm dừng, phong tỏa của Linh.

Đối đáp lại quan điểm này, trước hết, VKS đồng ý với luật sư về việc giải tỏa các tài sản đang bị tạm dừng, phong tỏa của bị cáo Nguyễn Quang Linh do bị cáo đã nộp tiền, khắc phục xong toàn bộ hậu quả vụ án.

Về vấn đề Linh có hay không tác động và thỏa thuận nhận tiền, VKS căn cứ vào chức vụ, điều kiện, quyền hạn, nhiệm vụ đối với trợ lý và chức danh thư ký thì Nguyễn Quang Linh là trợ lý của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất văn bản.

Mặt khác, căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương (2 lãnh đạo của Công ty Lữ Hành Việt) và Hoàng Anh Kiếm về việc xin cấp phép chuyến bay tại Văn phòng Chính phủ thì thấy Dương đã chuyển 130.000 USD và 1 tỉ đồng cho Kiếm để xin cấp phép chuyến bay.

Căn cứ vào lời khai của Kiếm cho thấy có việc trao đổi xin cấp phép các chuyến bay với Nguyễn Quang Linh. Căn cứ lời khai của Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) xác nhận Nguyễn Quang Linh đã đưa số điện thoại của Thân cho Kiếm để liên hệ xin cấp phép chuyến bay.

Do đó, VKS có căn cứ xác định Hoàng Anh Kiếm đã nhờ Nguyễn Quang Linh trong việc xin cấp phép các chuyến bay.

Theo VKS, căn cứ quy trình xin tiếp nhận cấp phép các chuyến bay cho thấy phải qua bị cáo Nguyễn Quang Linh trước khi trình lãnh đạo Chính phủ duyệt. Căn cứ hồ sơ cấp phép chuyến bay, trong đó có các phiếu trình và căn cứ lời khai của bị cáo Nguyễn Quang Linh, VKS xác định Hoàng Anh Kiếm đã lên phòng làm việc của Linh ở Văn phòng Chính phủ, nhờ Linh giúp đỡ Công ty Lữ Hành Việt tổ chức các chuyến bay.

Cụ thể, Linh cho số điện thoại của Nguyễn Tiến Thân để Kiếm gặp gỡ nhằm tạo điều kiện trong việc đề xuất; trình lãnh đạo Chính phủ trong việc đề xuất cấp phép các chuyến bay; thông báo cho Kiếm về các chuyến bay đã được duyệt.

Qua đó, VKS xác định Nguyễn Quang Linh đã làm một số công việc theo yêu cầu của Hoàng Anh Kiếm. Căn cứ các lần giao nhận tiền của Hoàng Anh Kiếm cho Nguyễn Quang Linh, các sơ đồ, vị trí về giao nhận tiền, VKS xác định số tiền Linh nhận là 180.000 USD nằm trong quá trình cấp phép các chuyến bay thuộc Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, VKS khẳng định không có chuyện Nguyễn Quang Linh tư vấn hồ sơ cho Hoàng Anh Kiếm với tư cách cá nhân; không có chuyện Linh không nhận thức được đây là tiền hối lộ.

nguyen-quang-linh-2-.jpg
Bị cáo Nguyễn Quang Linh bị áp giải tới phiên tòa - Ảnh: D.T

Liên quan đến số tiền 100 triệu đồng mà Nguyễn Quang Linh đang bị cáo buộc là nhận từ bị cáo Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ), luật sư cho rằng việc truy tố này là không đúng.

Đối đáp lại nội dung này, VKS khẳng định việc truy tố này là có căn cứ bởi tại các bút lục trong hồ sơ vụ án, Nguyễn Quang Linh khai đã nhận của Nguyễn Mai Anh 100 triệu đồng tại phòng làm việc.

Ngoài ra, VKS cũng trích dẫn lời khai của Nguyễn Mai Anh có trong hồ sơ vụ án: “Khoảng 18 giờ, xuống phòng làm việc của Linh ở tầng 6, mang theo 100 triệu đồng để vào phong bì rồi đưa cho Linh để nhờ cấp phép 10 chuyến bay cho 2 công ty. Tôi đưa phong bì và nói quà của doanh nghiệp gửi; Linh nói cảm ơn doanh nghiệp, Vụ Quan hệ quốc tế cứ trình lên, anh sẽ xem xét”…

Cùng gặp gỡ, nhận tiền của doanh nghiệp

Đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên), Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ), các vị luật sư có quan điểm rằng cần phải làm rõ về tính đồng phạm của 2 bị cáo này trong việc nhận hối lộ.

vks.jpg
Đại diện VKS đối đáp tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Theo VKS, căn cứ hồ sơ xin cấp phép các chuyến bay của doanh nghiệp, trên hồ sơ có bút phê của Nguyễn Thanh Hải giao cho Nguyễn Tiến Thân. Xét thấy hành vi của Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Thanh Hải là cùng gặp và trao đổi với Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn (2 lãnh đạo Công ty Bluesky), cùng tham gia ăn uống và nhận tiền của Hằng.

Ngoài ra, VKS cũng cho biết với đại diện các doanh nghiệp khác, Thân đều có báo cáo việc nhận tiền, chia tiền cho Hải, từ đó thể hiện tính đồng phạm. Tại các bút lục thể hiện lời khai của Thân: “Quá trình xử lý công việc, Hải có nói nếu họ chủ động cảm ơn thì tôi có thể nhận và phải báo cáo rõ ràng cho Hải”.

VKS trích dẫn lời khai của Nguyễn Thanh Hải như sau: “Lần đầu Thân đưa tiền có nói là doanh nghiệp Bluesky cảm ơn, tôi nói với Thân là việc này không ổn đâu, tức có ý nói Thân trả lại nhưng Thân có nói là mình đã trót nhận rồi, làm thì phải có công chứ… Các lần sau do sự việc nhận tiền đã diễn ra nên khi Thân đưa tiền, tôi cũng không từ chối nữa”.

Căn cứ vào các lời khai, các biên bản đối chất giữa 2 bị cáo, VKS nhận thấy họ là đồng phạm với nhau trong việc nhận hối lộ.

Xét vai trò của từng bị cáo, VKS đánh giá Nguyễn Tiến Thân đã thực hiện hành vi nhận hối lộ một cách tích cực; Nguyễn Thanh Hải là lãnh đạo, là người cho ý kiến chấp thuận việc nhận hay không nhận tiền…, nên trách nhiệm hình sự của bị cáo Hải phải cao hơn.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: VKS khẳng định không có khái niệm ‘nhận hối lộ vô tình’
Trong phần đối đáp, VKS khẳng định đã nhận hối lộ thì không có khái niệm “nhận hối lộ vô tình, cũng như không may” như lời bào chữa của bị cáo và luật sư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VKS khẳng định không có chuyện Nguyễn Quang Linh không nhận thức được tiền hối lộ