Trong phần đối đáp, VKS cho rằng tài liệu thể hiện bà Lan thâu tóm, sở hữu, chi phối, quyết định với toàn bộ cổ phần bị cáo sở hữu.
Sáng 1.4, đại diện Viện KSND TP.HCM tiến hành đối đáp quan điểm của các luật sư, bị cáo trong phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm.
Trương Mỹ Lan chi phối hoạt động của SCB
Theo VKS, cáo trạng kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền hạn chi phối, điều hành mọi hoạt động của SCB là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. VKS cho rằng tài liệu thể hiện bà Lan thâu tóm, sở hữu, chi phối, quyết định với toàn bộ cổ phần bị cáo sở hữu.
Mặc dù bà Lan không quản lý tài sản SCB nhưng nắm quyền chi phối tuyệt đối nên có quyền bầu, miễn nhiệm thành viên SCB. Từ đó, bà bố trí thành phần chủ chốt giúp sức cho mình.
VKS nhận định đây là điều kiện, phương thức, thủ đoạn để bị cáo lợi dụng chiếm đoạt tiền tại SCB. Tại tòa, bị cáo trả lời là sắp xếp các vị trí chủ chốt tại SCB vào thời gian cụ thể, ai nghỉ việc đều thông báo cho bị cáo.
Về cáo buộc Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, cơ quan công tố giữ nguyên nhận định rằng bị cáo coi SCB như một công cụ tài chính, là nơi giữ tiền, bất cứ lúc nào cần tiền sẽ có chỉ đạo.
Để xác định hậu quả thiệt hại, VKS cho biết không căn cứ kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định hoàn toàn thiệt hại vụ án mà áp dụng nhiều biện pháp.
Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu
Trước đó, qua 2 tuần bào chữa, đa phần các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều khai chỉ làm công ăn lương, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, không hưởng lợi gì nên đề nghị HĐXX xem xét mức án phù hợp, xin được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân không quanh co, chối tội và đã tự nguyện làm đơn bán hết tài sản để khắc phục hậu quả. Theo lời bà Lan tại tòa, bà dùng mọi sức lực, tài chính để tái cơ cấu SCB, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét lại thiệt hại của vụ án, kết quả giám định lại của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định giá trị thật tài sản đảm bảo.
Bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư đề nghị ghi nhận có sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo, xem xét lại việc xác định sở hữu của bị cáo tại SCB…
Trong phần luận tội hôm 19.3, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình (tổng hình phạt của 3 tội danh).
Theo VKS, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, bị cáo Lan còn đổ lỗi cho nhân viên, các bị cáo tại SCB; hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, VKS cho rằng cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội vĩnh viễn.
Trong phần luận tội, VKS cho biết qua tài liệu, hồ sơ vụ án cùng phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa đã thể hiện Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB là công cụ tài chính để phục vụ cho lợi ích của mình.
Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo thành lập các công ty “ma”; thông đồng với các công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; chỉ đạo tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống tại SCB; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước để che giấu sai phạm tại SCB…
VKS nhận thấy bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu, gây ra hậu quả gây ra trong vụ án đặc biệt lớn.
Chưa hết, bà Lan còn gặp gỡ, bàn bạc và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) 5,2 triệu USD; tặng quà, tiền cho các các thành viên khác trong đoàn thanh tra để che giấu thực trạng yếu kém của SCB để không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt.