Hàng loạt vụ điều tra, một số lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao bị bắt giữ đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” trên thị trường TPDN.
Có sự “tẩy chay” trên thị trường trái phiếu
Theo báo cáo của VNDIRECT, kể từ quý 2/2022, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ thị trường TPDN. Nghị định 65 – nhằm thắt chặt hơn các quy định về phát hành TPDN được ban hành.
Những chỉ thị này sẽ khuyến khích hơn việc phát hành ra công chúng, cải thiện chất lượng của các tổ chức phát hành và tính bền vững của thị trường non trẻ này trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định đã được chứng minh và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ.
“Điều này đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” trên thị trường TPDN”, VNDIRECT nêu và cho biết điều này cũng tác động tiêu cực đến các ngân hàng có liên quan nhiều đến TPDN khi rủi ro tín dụng gia tăng và thu nhập từ phí giảm thông qua hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu.
Mặc dù không có văn bản chính thức nào liên quan đến việc NHNN thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng việc cho vay BĐS đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2022.
Thêm vào đó, theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1.10.2022 trở đi. Do cho vay BĐS thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc quản lý rủi ro thanh khoản và sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng của mình.
“Khi các cuộc kiểm tra và đánh giá rủi ro đối với mỗi ngân hàng sẽ được thực hiện gắt gao hơn, các ngân hàng có danh mục cho vay bất động sản sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng cho vay trong năm 2023-2024”, VNDIRECT nêu quan điểm.
Căng thẳng thanh khoản hệ thống kể từ quý 3/2022
Để kiềm chế áp lực lạm phát, NHNN đã thắt chặt cung tiền từ đầu năm 2022, đồng thời hạn chế tăng trưởng tín dụng được giao cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, tăng trưởng huy động của hệ thống tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, nới rộng khoảng cách huy động tín dụng kể từ đầu năm 2022.
Do đó, nhu cầu huy động vốn tăng mạnh khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 9/2022, kéo theo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị bắt do sai phạm trong phát hành TPDN. Điều này cho thấy những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nâng cao tính minh bạch trên thị trường này. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ngân hàng lớn thứ 5 tại Việt Nam về quy mô tổng tài sản, do mối liên hệ gần gũi giữa ban lãnh đạo của 2 doanh nghiệp.
“SCB đã chứng kiến hiện tượng khách hàng đổ xô rút tiền trong tuần đầu tháng 10.2022. Sự kiện nói trên đã gây áp lực lên thanh khoản hệ thống do các ngân hàng thương mại chuyển sang trạng thái phòng thủ nhiều hơn...”, VNDIRECT nêu.
Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại
VNDIRECT cũng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023. Tín dụng hệ thống đã tăng 16,5% so với cùng kỳ và 11,5% so với đầu năm tính đến hết tháng 10.2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (+8,8% so với đầu năm).
Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Trong năm 2023, do thị trường BĐS kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng. Đối với BĐS, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm nguồn vốn khi thị trường TPDN vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Thêm nữa, xuất khẩu - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại 9- 10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Ngoài ra, mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chúng tôi nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7.2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… Hơn nữa, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng.
Câu hỏi đắt giá nhất trong năm 2023: Khi nào thì các ngân hàng trung ương sẽ ngưng thắt chặt các điều kiện tài chính? VNDIRECT cho rằng câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các ngân hàng trung ương có thể đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được hay không. Tuy nhiên một vài ngân hàng trung ương đã lộ ra ý định sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất.
VNDIRECT cho rằng đợt giảm lãi suất điều hành sớm nhất sẽ diễn ra trong quý 1/2024. Khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023, nếu như kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Vì vậy, Fed sẽ chỉ thực hiện đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý 1/2024.
“Theo các diễn biến trong quá khứ, xác suất đợt giảm lãi suất đầu tiên thường xảy ra cách lần tăng cuối cùng khoảng 7 tháng. Rủi ro chủ yếu vẫn là lạm phát giảm song không thể xuống chấp nhận được, do đó các ngân hàng trung ương không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục biện pháp thắt chặt và không thể nới lỏng các điều kiện tài chính trong một sớm một chiều”, VNDIRECT nêu.