Ở tuổi ngoài 80 bà Mừng tiếp chúng tôi với tâm trạng mỏi mệt...

Vụ ‘Đất mượn của dân không trả, lại muốn đòi thêm’: Khốn khổ vì đi xin lại đất của mình

Nhóm PV | 14/10/2020, 07:25

Ở tuổi ngoài 80 bà Mừng tiếp chúng tôi với tâm trạng mỏi mệt...

Liên quan đến bài “Đất mượn của dân không trả, lại muốn đòi thêm” ở tỉnh Sóc Trăng mà Một Thế Giới đã đưa, qua tài liệu thu thập và tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết từ năm 2009 đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Kim Mừng (SN 1939, ấp An Ninh 2, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) liên tục có đơn kiến nghị, khiếu nại xin lại phần đất Nhà nước đã mượn để đào kênh dẫn nước. Tuy nhiên, tất cả đều bị ngành chức năng và các cấp chính quyền của tỉnh Sóc Trăng (nhất là cấp huyện và cấp tỉnh) bác đơn.

10.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Mừng chỉ vị trí được ngành chức năng và các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng xác định là kênh thủy lợi, đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, phục vụ đi lại bằng giao thông thủy - Ảnh: Đăng Bỉnh

Ròng rã khiếu nại, kiến nghị xin lại đất của… chính mình

Ở tuổi ngoài 80 bà Mừng tiếp chúng tôi với tâm trạng mỏi mệt, bà nói: “Đất có nguồn gốc rõ ràng, chỉ vì cho Nhà nước mượn đào kênh dẫn nước chạy qua mà tới giờ không làm ăn gì được. Tôi có 9 đứa con đều lập gia đình nhưng không thể tách thửa chia thừa kế cho chúng, giao dịch mua bán thì chính quyền không xác nhận do trong tình trạng “tranh chấp”. Kiến nghị, khiếu nại xin lại đất ròng rã bao năm trời khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất”.

Ông Lê Ngọc Giàu (con ruột, người đại diện theo ủy quyền của bà Mừng) rút từ chồng hồ sơ cũ, đưa chúng tôi xem bản quyết định (số 953/QĐ-UB) bác yêu cầu xin lại phần đất con kênh do ông Cao Liền Khấu, Phó chủ tịch UBND huyện Kế Sách ký ngày 31.12.2009. Theo nội dung trong quyết định, nguồn gốc phần đất đào con kênh thủy lợi là của gia đình bà Mừng sử dụng từ năm 1956, có tổng diện tích 28.417 m2. Con kênh này được Nhà nước vận động nhân dân (và người dân nơi đây đồng tình) nên “quy hoạch” đào từ năm 1982 phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân cư khu vực.

Chiều dài con kênh khoảng 330 mét trong đó đoạn đi qua phần đất của bà Mừng khoảng 150 mét, nằm giữa 2 thửa số 120 và 788, mặt kênh rộng bình quân 10 mét. Tuy công nhận nguồn gốc đất con kênh nhưng UBND huyện Kế Sách lại kết luận: “Đối với kênh, rạch, sông ngòi, tất cả đều do Nhà nước quản lý; đây là kênh thủy lợi phục vụ cho lợi ích chung, đồng thời cũng không thể hiện trên giấy chứng nhận QSDĐ (của bà Mừng, do UBND huyện Kế Sách cấp ngày 26.10.1996, diện tích 28.417 m2) nên việc xin lại phần đất con kênh không có cơ sở đến xem xét, giải quyết”.

Không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND huyện Kế Sách, bà Mừng khiếu nại lên UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 16.4.2010 tại quyết định số 33/QĐKN-CTUBND, UBND tỉnh Sóc Trăng viện dẫn: “Con kênh hiện nay đang có nhiều hộ dân sử dụng cho việc thoát nước, kênh còn phát huy tác dụng phục vụ lợi ích cho khu vực, thuộc hệ thống kênh thủy lợi do Nhà nước quản lý” nên công nhận quyết định số 953 của UBND huyện Kế Sách, đồng thời tiếp tục bác đơn khiếu nại.

11.jpg

Quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận quyết định số 953 của UBND huyện Kế Sách, đồng thời bác đơn khiếu nại của bà Mừng - Ảnh: Đăng Bỉnh

Thấy cách giải quyết của chính quyền không thuyết phục, bà Mừng vẫn liên tục có đơn kiến nghị, yêu cầu xin lại phần đất con kênh. Gần đây nhất là giữa tháng 10.2018 bà có đơn xin hợp thức hóa phần đất trên con kênh gửi UBND huyện Kế Sách. Gần 1 năm trôi qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, hợp lý hợp tình.

Không còn giá trị sử dụng nữa thì nên trả lại cho dân

Ông Giàu cho rằng các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đưa ra lý do đoạn kênh đi qua phần đất của gia đình ông là kênh thủy lợi, thuộc hệ thống kênh thủy lợi do Nhà nước quản lý, vẫn đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, phục vụ đi lại bằng giao thông thủy là không thuyết phục. Trên thực tế đoạn kênh được kết nối từ kênh mương lộ (vị trí nằm dọc theo đường Nam Sông Hậu hiện nay) với kênh Cái Côn trước khi đổ ra sông Hậu. Nhưng từ giữa năm 2005 khi thi công đường Nam Sông Hậu, kênh mương lộ đã bị san lấp, chuyển thổ cư hết. 

Phía 2 đầu đoạn kênh cũng vậy, bị bồi lắng và người dân lấn chiếm, san lấp, xây dựng nhà cửa. Ai cũng dễ dàng nhận thấy trước tới nay chính quyền và ngành chức năng địa phương không hề để lại “dấu ấn quản lý” nào đối với cái được gọi là “công trình thủy lợi” này.

“Trong các quyết định, chính quyền chỉ áp đặt một chiều chứ không đưa ra các giấy tờ, văn bản pháp lý chứng minh đó là công trình thủy lợi, như: Quyết định đào kênh, bản vẽ kỹ thuật, dự toán và quyết toán kinh phí xây dựng công trình thủy lợi, quyết định trưng thu đất của dân, bản đồ quy hoạch và quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn… Không rõ các tổ công tác của huyện, tỉnh xác minh từ nguồn nào, có ghi nhận thực tế tại hiện trường hay không, để sau đó tham mưu cho lãnh đạo ra các quyết định? Riêng tiếng nói phản biện của gia đình tôi cùng nhiều nhân chứng, trong đó có nhiều người nguyên là lãnh đạo địa phương đều không được xem xét”, ông Giàu cho hay.

Ông Giàu cũng thừa nhận vào tháng 10.2011 sau nhiều lần kiến nghị không được giải quyết, thấy đoạn kênh qua phần đất gia đình bị tù đọng, mưa xuống thì ngập úng gây cản trở canh tác nên gia đình ông san lấp đoạn kênh. Ngay lập tức chính quyền địa phương tới lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Gia đình ông Giàu không đồng ý, đến nay không còn ai nhắc tới quyết định xử phạt nữa, người dân sống chung quanh cũng không hề có phản ứng gì với đoạn kênh bị san lấp.

12.jpg

Xác nhận của nguyên lãnh đạo UBND thị trấn An Lạc Thôn về việc vận động gia đình bà Mừng cho mượn đất đào kênh - Ảnh: Đăng Bỉnh

Bà Mừng nghẹn ngào: “Từ trước tới nay gia đình tôi đều thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí đầy đủ. Thậm chí gần 3 năm trước, chính quyền địa phương tới vận động, tôi và các con còn thống nhất hiến đất để Nhà nước mở rộng đường giao thông. Tuyến đường đi qua phần đất của tôi dài 170 mét lấn vào đất có chỗ 2 mét, có chỗ đến 4 mét. Tôi kiến nghị xin lại phần đất đoạn kênh vì thấy 2 đầu bị bồi lắng, san lấp hết rồi; chức năng tưới tiêu, phục vụ đi lại bằng phương tiện giao thông thủy của nó cũng không còn. Tôi tin các cấp lãnh đạo nếu trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, khảo sát sẽ chấp thuận yêu cầu của tôi”.

Trao đổi với PV, ông Lý Hốc Khị, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kế Sách thẳng thắn: “Quê tôi ở An Lạc Thôn nên tôi nắm rõ nguồn gốc con kênh. Lúc đó đất người dân đang canh tác, Nhà nước vận động đào kênh cho 2 mục đích phục vụ giao thông thủy và tưới tiêu. Tôi nghĩ lúc mới đào, con kênh có chiều rộng 4 mét, sau nhiều năm sử dụng có thể bị sạt lở, rộng ra khoảng 10 mét.

Quan điểm của tôi là con kênh không còn giá trị sử dụng nữa thì nên trả lại cho dân. Tôi được biết UBND tỉnh Sóc Trăng đã có chỉ đạo UBND huyện Kế Sách đang triển khai giải quyết vụ việc theo hướng này. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ trao đổi lại với UBND huyện và các ngành chức năng của huyện để đẩy nhanh tiến độ giải quyết”.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ ‘Đất mượn của dân không trả, lại muốn đòi thêm’: Khốn khổ vì đi xin lại đất của mình