Hiện các phương tiện phục vụ cho công tác đào bới của Công ty C3T đã ngưng hoạt động trên phần đất rừng sản xuất đã vi phạm trước đó.

Vụ doanh nghiệp tự ý đào đất rừng sản xuất làm ao nuôi tôm: Xe cơ giới đào bới đã ngưng hoạt động

Trần Khải | 14/03/2022, 21:25

Hiện các phương tiện phục vụ cho công tác đào bới của Công ty C3T đã ngưng hoạt động trên phần đất rừng sản xuất đã vi phạm trước đó.

Liên quan đến bài viết “Cà Mau: Một doanh nghiệp tự ý đào ao nuôi tôm công nghiệp không phép” mà Một Thế Giới đã đăng tải, ngày 14.3, nguồn tin của PV cho biết, các phương tiện phục vụ cho công tác đào bới của Công ty C3T hiện đã ngưng hoạt động trên phần đất rừng sản xuất đã vi phạm trước đó.

“Trong ngày hôm nay, 2 chiếc máy xúc đào bới đất làm ao tôm của Công ty C3T đã ngưng hoạt động. Một chiếc đỗ lên bờ còn chiếc kia đã rời đi. Tuy nhiên họ chưa san lấp đất lại như hiện trạng ban đầu. Phần đất nói trên là đất rừng sản xuất có thời hạn sử dụng đến tháng 4.2058”, nguồn tin cho biết thêm.

dao.jpg
Hình ảnh mới nhất tại hiện trường đào bới đất rừng trái phép của Công ty C3T - Ảnh chụp vào chiều 14.3

Như Một Thế Giới đã thông tin trước đó, mặc dù chính quyền tỉnh Cà Mau có chủ trương không cho phát sinh thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp từ nhiều năm qua, nhưng một doanh nghiệp ở đây đã thuê đất của dân địa phương rồi tự ý đào ao để nuôi tôm khi chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý, cho phép. Khu vực này có diện tích rộng hơn 3 ha, do ông Phạm Quốc Đạt (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cho Công ty C3T thuê với thời hạn 10 năm.

Ông Lê Đàm Minh, đại diện Công ty C3T cho biết, đến tháng 4.2022, cấp có thẩm quyền sẽ cấp phép cho doanh nghiệp nuôi thủy sản. Ông Minh khẳng định công ty chỉ đang xới đất cho khâu chuẩn bị. Trước khi đưa phương tiện cơ giới vào khu vực nói trên, họ đã báo cáo chính quyền huyện, xã.

Quá trình làm việc, ông Minh cũng khẳng định rằng Bí thư, Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã gặp họ và các vị lãnh đạo này rất ủng hộ phương án nuôi tôm công nghiệp của Công ty C3T. 

Trước những thông tin PV nắm được về việc đào bới đất là chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền, ông Minh mới thừa nhận: “Tôi đào bới là sai vì chủ trương chưa cho phép, nhưng chỗ này sẽ là nơi quy hoạch nuôi tôm công nghiệp trong tương lai. Tất cả là vì chúng tôi lo xa”.

dao-2.jpg
Khu vực đào bới trước khi Một Thế Giới phản ánh

Ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân khẳng định: “Tôi chỉ cho phép họ làm mặt tiền cất nhà ở khu vực mé sông Đường Kéo và cho cải tạo chu vi thôi chứ không cho đào bới. Trong phần diện tích mà Công ty C3T thuê của ông Đạt có yêu cầu bắt buộc trồng 4 công rừng (4.000 m2 ). Họ đào vậy là không đúng rồi”.

Về hướng xử lý, ông Đồng nói theo biên bản cam kết thì buộc họ khắc phục lại như cũ và nếu sai thì xử phạt. “Tôi đã cử cán bộ đi kiểm tra, khi có báo cáo thì sẽ tính sau”, ông Đồng cho biết thêm.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ doanh nghiệp tự ý đào đất rừng sản xuất làm ao nuôi tôm: Xe cơ giới đào bới đã ngưng hoạt động