VKS đã đề nghị xử phạt ông Đinh La Thăng 12 – 13 năm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sáng 10.3, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã tiến hành luận tội, đề nghị mức án đối với 12 bị cáo trong vụ án Ethanol Phú Thọ.
Theo đó, trong vụ án này, VKS đề nghị xử phạt ông Đinh La Thăng 12 – 13 năm về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Đề nghị xử phạt Trịnh Xuân Thanh từ 21 – 23 năm tù về cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đối với các bị cáo còn lại, VKS đã đề nghị mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Trong dự án Dự án nhiên liệu sinh học, VKS nhận định có một số người đã lợi dụng vị trí công tác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước…
Cụ thể, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học, ông Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC, ông Đinh La Thăng đã ban hành chủ trương, chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB), PVC hoàn tất các thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ trái quy định.
Theo VKS, Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) đã ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận. Tiếp đó, PVC đã thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.
Tại thời điểm đóng sơ tuyển, có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, nhưng kết quả chấm sơ tuyển thì cả 6 nhà thầu đều chưa đạt đủ các tiêu chí. Trong đó liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn...
Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu. Cựu chủ tịch PVC còn chủ trì cuộc họp HĐQT và ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.
Hậu quả, Dư án phải dừng thi công gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỉ đồng (tính từ thời điểm dừng thi công – ngày 27.3.2013 đến ngày khởi tố vụ án).
Ngoài ra, trong vụ án này, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng trái quy định.
Theo VKS, để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo chuyển 21 tỉ đồng tiền tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, trái Điều lệ tổ chức hoạt động của PVC và Luật Doanh nghiệp năm 2005, gây thiệt hại cho PVC hơn 13,2 tỉ đồng.
Tháng 6.2011, Trịnh Xuân Thanh đề nghị Đỗ Văn Hồng (Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc) chuyển nhượng lại cho mình khu đất 3.400m2 tại Tam Đảo với giá 23,8 tỉ đồng. Để sở hữu khu đất này, Công ty Mai Phương được Trịnh Xuân Thanh thành lập vào năm 2011 và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, đến ngày 18.12.2012 chỉ trả cho PVC Kinh Bắc 20,8 tỉ đồng, không trả 3 tỉ đồng còn lại; đến nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỉ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương…
Theo nhận định của VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ, làm trái công vụ, gây thiệt hại lớn cho công ty; bị cáo Đỗ Văn Hồng đã giúp sức cho bị cáo Thanh.
Theo VKS, hầu hết các bị cáo trong vụ án này đều là người giữ chức vụ quan trọng, vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế lớn; tuy nhiên, hành vi sai phạm của các bị cáo đã khiến dự án bị dang dở, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước; thiệt hại này là do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực. Bên cạnh đó, hành vi của các bị cáo còn làm mất niềm tin của nhân dân, tạo tiền đề xấu cho những sai phạm khác.
Xét vị trí, vai trò của từng bị cáo, VKS thấy bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính, là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc nên VKS cho rằng đó là những tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, theo VKS, bị cáo đã phạm tội với vai trò đồng phạm, tích cực thực hiện hành vi, phạm tội một phần lệ thuộc vào sự chỉ đạo. Liên quan đến tiền tạm ứng, sử dụng tiền tạm ứng trái quy định và việc mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, VKS nhận định bị cáo Thanh giữ vai trò chính. Trong quá trình công tác, Trịnh Xuân Thanh được tặng nhiều bằng khen, nên theo VKS đó là tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét.
Với các bị cáo khác, VKS đã phân tích vai trò, vị trí cũng của từng bị cáo cũng như xem xét các tình tiết giảm nhẹ để đề nghị mức án phù hợp.