Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuần qua đã đến Iraq để thảo luận về quá trình tái thiết nước này, sau khi Baghdad tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cuối năm 2017.

Vũ khí Pháp trong cuộc chiến chống IS ở Iraq

21/02/2018, 07:05

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuần qua đã đến Iraq để thảo luận về quá trình tái thiết nước này, sau khi Baghdad tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cuối năm 2017.

Chiến đấu cơ Rafale trên không phận Iraq- Ảnh: AP.

“Tôi đến đây để nói với các bạn về sự hỗ trợ của Pháp và để đồng hành cùng các bạn. Chúng tôi sẽ luôn ở đó. Chúng tôi đã ở đó để tham gia liên minh. Chúng tôi sẽ ở đó trong giai đoạn tái thiết”, ông Le Drian nói. Bộ trưởng Kế hoạch Iraq Salman al-Jumaili cho biết cần 88 tỉ USD để tái thiết đất nước.

Bagdhad tuyên bố đánh bại IS hồi tháng 12.2017, sau cuộc chiến chống phiến quân kéo dài gần 3 năm. Pháp là quốc gia đóng góp lớn thứ hai cho liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu và là nước đồng minh đầu tiên của Mỹ tấn công các mục tiêu IS ở Iraq. Lực lượng liên minh phương Tây đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào IS tại Iraq và Syria, cung cấp nhiều thiết bị quân sự, đào tạo và cố vấn cho các lực lượng Iraq.

Bộ ba chiến đấu cơ hiện đại nhất

Pháp bắt đầu không kích IS ở Iraq từ tháng 9.2014 trong chiến dịch mang tên Chammal, tên một ngọn gió thổi về hướng tây bắc qua Iraq và các nước ở vịnh Ba Tư. Chiến dịch quân sự ban đầu được thực hiện theo đề nghị của chính phủ Iraq và phối hợp với các đồng minh phương Tây, có hai trụ cột chính: huấn luyện lực lượng quân sự Iraq và hỗ trợ lực lượng địa phương trên bộ chiến đấu chống IS, không kích nhằm vào năng lực quân sự của nhóm khủng bố.

Quân đội Pháp triển khai bộ ba máy bay chiến đấu hiện đại nhất bao gồm Rafale, Mirage 2000N và Mirage 2000D tham gia các cuộc không kích, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của IS tại thành trì Raqqa, Syria và Mosul tại Iraq.

Cuộc không kích đầu tiên diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi tổng thống Pháp bấy giờ là Francois Hollande tuyên bố tham gia chiến dịch. Hai máy bay Rafale xuất kích từ Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thả 4 quả bom dẫn đường bằng laser GBU-12, phá huỷ kho vũ khí và tiêu diệt hàng chục phiến quân ở Mosul, Iraq. Từ tháng 11.2014, lực lượng tác chiến được tăng cường với 6 máy bay Mirage 2000D đóng quân tại Jordan. Từ tháng 9.2015, cuộc không kích được mở rộng ra Syria.

Tháng 1.2015, ông Hollande tuyên bố triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle tới vịnh Ba Tư, có thể hỗ trợ không kích IS. Tàu được triển khai tháng 11 năm đó với 24 chiến đấu cơ, và Pháp lần đầu không kích từ tàu sân bay ngày 23.11.2015.

Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, các máy bay Pháp đã xuất kích hơn 7.000 lần, tham gia hơn 1.400 cuộc không kích và phá hủy hơn 2.000 mục tiêu ở Iraq hoặc Syria, theo thống kê của Bộ Quốc phòng Pháp.

Pháo Caesar với hệ thống nạp đạn hoàn toàn tự động

Pháo tự hành hàng đầu thế giới

Kể từ tháng 9.2016, lực lượng đặc nhiệm Wagram, bao gồm khoảng 150 binh sĩ Pháp, chịu trách nhiệm vận hành 4 hệ thống pháo Caesar để hỗ trợ lính Iraq trên chiến trường chống IS.

Dù các cuộc không kích chống phiến quân trở thành xương sống cho các chiến dịch của liên minh phương Tây, khi cuộc chiến giành lại Mosul, thành trì cuối cùng ở Iraq còn bị IS kiểm soát bước vào giai đoạn cam go, lực lượng trên bộ của liên minh bắt đầu đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Pháo thủ Pháp sử dụng pháo Caesar được triển khai ở phía nam Mosul. Với tầm bắn hơn 42km, pháo Caesar hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị Iraq giành lại Tal Afar, cách Mosul 63km về phía tây. Ngày 31.8.2016, Thủ tướng Iraq tuyên bố thành phố phía tây bắc này đã quét sạch nhóm khủng bố IS.

Kể từ nhiệm vụ đầu tiên, 4 khẩu pháo Caesar đã phóng tổng cộng 10.057 quả pháo, tương đương trung bình 6,7 quả mỗi nhiệm vụ khai hỏa hoặc 2,5 quả mỗi khẩu. Đây là cường độ lớn nhất quân đội Pháp từng đạt được trong vòng 50 năm qua.

Hệ thống pháo Caesar phù hợp với đạn pháo tiêu chuẩn của NATO, như M107, loại được liên minh sử dụng rộng rãi.

Với quân đội Pháp, trận chiến Tal Afar là cơ hội để thực hiện một loạt nhiệm vụ pháo binh. Đầu cuộc chiến, lính Pháp hậu thuẫn lính Iraq bằng cách tạo ra màn hỏa mù làm vỏ bọc cho bước tiến và gây bất ngờ cho kẻ thù. Hoạt động tiếp diễn bằng việc hỗ trợ sâu lính Iraq nhằm cô lập kẻ thù, khiến chúng không thể tự do di chuyển và hành động, rồi duy trì sức ép lên các chiến binh của chúng.

Hiện đặt ở gần thành phố Erbil và ở thị trấn Qayyarah, 4 khẩu pháo Caesar cỡ nòng 155mm hướng về phía thị trấn Hawijah, nơi lực lượng Iraq đang tấn công nhằm đẩy lùi phiến quân. Trong lực lượng đặc nhiệm Wagram, các pháo thủ Pháp thực hiện nhiệm vụ 24/7, kể cả khi nhiệt độ lên tới gần 50 độ C trong bóng râm. Đây là thử thách về giới hạn với thiết bị của Nexter nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực thay lính Iraq.

Các hệ thống pháo Caesar được trang Army Technology bình chọn là một trong 10 pháo tự hành hiệu quả nhất thế giới. Nó cũng được triển khai tại Afghanistan trong giai đoạn 2009 – 2012, tại Lebanon trong chiến dịch FINUL năm 2011 và tại Mali năm 2013 trong chiến dịch SERVAL. Nexter hiện còn có phiên bản nâng cấp Caesar 8X8, được tích hợp trên khung gầm xe bánh lốp việt dã Tatra T815-7 8x8 bánh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 8.2017 cho biết cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo”, đặc biệt là ở Syria và Iraq là ưu tiên hàng đầu của ông trong chính sách đối ngoại.

Trong cuộc gặp hôm 12.2 với Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Al-Jaafari và các quan chức khác, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho biết ông Macron sẽ sớm thăm Baghdad.

Các nguồn tin chính phủ Iraq nói với Arab News rằng Pháp và Iraq đang cùng làm việc để xây dựng “Hiệp định khuôn khổ chiến lược”, dự kiến được ký kết trong năm nay. Hiệp định được cho là sẽ bao gồm việc quân Pháp tham gia cuộc chiến chống khủng bố, hiểu biết chung về yêu cầu của Tòa án Nhân quyền, liên quan đến việc cấm án tử hình với những tên khủng bố châu Âu đã phạm tội tại Iraq và Syria, và sự tham gia của các công ty Pháp vào việc tái thiết Iraq.

Q.Ph.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vũ khí Pháp trong cuộc chiến chống IS ở Iraq