Theo ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) - con gái ông là bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988) đã bị công an Hòa Bình mời lên làm việc liên quan vụ xả thải vào nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà.
Trao đổi với báo chí chiều 21.10, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cho biết công an Hòa Bình đã mời hai người của Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) lên làm việc liên quan đến vụ "khủng hoảng nước sạch" sông Đà là: bà Nguyễn Thị Huyền Trang, con gái ông Truyền, hiện là cán bộ Phòng Kinh doanh và ông Trần Thành Chung (SN 1975), cán bộ Phòng Vật tư kiêm Thủ kho.
"Ngày 19.10, Đoàn kiểm tra gồm Cục Cảnh sát Môi trường và Công an tỉnh Hòa Bình đã đến làm việc tại Công ty Thanh Hà. Sau khi kết thúc buổi làm việc lúc 16h, Công an mời luôn Trang và Chung đi cùng, cho đến giờ vẫn chưa về", ông Truyền nói.
Nói về việc con gái có liên quan trong vụ việc, ông Truyền vẫn khẳng định: "Con gái tôi tên là Trang, đang làm ở bộ phận kinh doanh của công ty. Tôi đã hỏi con gái rồi và Trang khẳng định không hề quen biết Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Bắc Ninh) - người được cho là chủ mưu trong đổ dầu thải".
Theo ông Truyền, công ty ban đầu đã xác định được người cung cấp dầu thải cho các đối tượng gây ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Người này tên là Trần Thành Chung, hiện là thủ kho vật tư ở công ty. Mới đây, cơ quan công an đã tiến hành làm việc với ông Chung.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà, sau khi xảy ra vụ việc, ông đã gọi điện cho các bộ phận và xác định được ông Chung có liên quan đến việc cung cấp dầu thải cho 3 nghi can đang bị Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ hình sự.
Trước đó, trưa ngày 20.10, Lý Đình Vũ đã đến trụ sở cơ quan công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình khi chỉ đạo vụ xả trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà.
Theo cơ quan công an, Vũ được xác định là người đã thuê Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại Lạng Sơn) ngày 6.10 lái xe tải đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ lấy dầu thải. Sau đó, cả 3 di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (ở tỉnh Hưng Yên) gửi xe.
Đến ngày 8.10, Đại, Thám và Vũ sử dụng xe ô tô tải trên và xe ô tô 4 chỗ BKS 89A - 137.66 chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) tiến hành đổ trộm rồi cùng nhau bỏ trốn.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường”.
Trước đó từ ngày 10.10, nhiều khu vực của TP Hà Nội người dân phát hiện nước sạch sông Đà có mùi lạ, có nơi ngửi thấy khét, rất khó chịu.
Giới chức Hà Nội sau đó phải ra khuyến cáo người dân không dùng nước này để ăn uống, mà chỉ dùng tắm giặt, đồng thời thành phố tiến hành cung cấp nước sạch miễn phí cho người dân.
Tình trạng thiếu nước sạch trong nhiều ngày đã khiến cuộc sống của người dân ở Hà Nội đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, người dân lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng khi dùng phải nước không đảm bảo trong nhiều ngày, trước khi có khuyến cáo từ nhà chức trách.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội ngày 20.10, chất lượng nước sạch sông Đà đã đạt ngưỡng an toàn. Cụ thể, kết quả kiểm tra 4 mẫu nước tại nhà máy, bể chứa, trạm điều tiết, họng và 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Công ty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận, huyện đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp Hà Nội cũng đã lấy 15 mẫu nước tại các chung cư sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận, huyện gồm: quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn). Kết quả xét nghiệm các mẫu nước trên đều đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Tuyết Nhung (T/H)