Cuộc tranh cãi giữa Scarlett Johansson và OpenAI đã thổi bùng lên nỗi sợ trí tuệ nhân tạo (AI) khắp Hollywood, theo hãng tin Reuters.
Thế giới số

Vụ Scarlett Johansson tố OpenAI sao chép giọng nói thổi bùng lên nỗi sợ AI khắp Hollywood

Sơn Vân 22:42 23/05/2024

Cuộc tranh cãi giữa Scarlett Johansson và OpenAI đã thổi bùng lên nỗi sợ trí tuệ nhân tạo (AI) khắp Hollywood, theo hãng tin Reuters.

Lời cáo buộc của nữ diễn viên Scarlett Johansson rằng OpenAI đã sao chép giọng cô cho chatbot ChatGPT sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận đã khơi dậy nỗi lo lắng của giới sáng tạo về mối đe dọa hiện hữu do AI gây ra, ngay cả khi các hãng phim Hollywood thử nghiệm các công cụ mới và cân nhắc liên minh với OpenAI.

Một nhà điều hành ngành giải trí ở Hollywood cho biết: “Điều này dường như đã chạm đúng một điểm nhạy cảm thực sự. Có một hãng công nghệ nổi tiếng đã làm điều gì đó với một người mà chúng tôi biết”.

Vào tháng 2, OpenAI khiến cả thế giới choáng váng với các video chất lượng giống như phim truyện được tạo bởi Sora, mô hình AI giúp chuyển văn bản thành video chân thực dài 1 phút. Kể từ đó, các nhà điều hành và đại diện của Hollywood đã gặp OpenAI nhiều lần để thảo luận về mối quan hệ hợp tác sáng tạo tiềm năng và ứng dụng công nghệ, theo Reuters.

Những người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề nói với Reuters rằng việc Scarlett Johansson chỉ trích OpenAI vì sử dụng giọng nói cho ChatGPT “giống cô một cách kỳ lạ” trong buổi trình diễn mô hình AI đa phương thức GPT-4o khiến một số nhà điều hành ở Hollywood khó chịu. Điều này diễn ra khi OpenAI và các hãng phim Hollywood đang thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn trong các dự án.

Lãnh đạo một hãng phim Hollywood nói: “Nó chắc chắn không thiết lập sự hợp tác tôn trọng giữa những người sáng tạo nội dung và các gã khổng lồ công nghệ”, đồng thời gọi hành động của OpenAI là “sự kiêu ngạo”.

Hôm 20.5, Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman cho biết: "Giọng nói ChatGPT không phải của Scarlett Johansson và công ty không bao giờ có ý định sao chép giọng nói của cô ấy. Chúng tôi đã chọn diễn viên lồng tiếng cho giọng nói của Sky trước khi tiếp cận Johansson".

Tờ The Washington Post đưa tin OpenAI không có ý định sao chép giọng nói của Scarlett Johansson. Nữ diễn viên lồng tiếng cho Sky (giọng nói ChatGPT được cho giống Scarlett Johansson) chỉ đơn giản sử dụng giọng tự nhiên của mình, theo các clip mà The Washington Post nghe được.

The Washington Post cho biết yêu cầu tuyển diễn viên của OpenAI đưa ra hồi năm ngoái là tìm những người có giọng nói "ấm áp, hấp dẫn và cuốn hút". OpenAI cần diễn viên trong độ tuổi từ 25 đến 45 và không thuộc công đoàn, nhưng công ty này được cho không yêu cầu diễn viên phải giống giọng Scarlett Johansson.

Người đại diện của diễn viên lồng tiếng cho Sky nói với The Washington Post rằng OpenAI không bao giờ đề cập đến Scarlett Johansson hoặc bộ phim Her năm 2013 mà cô tham gia lồng tiếng. Do Spike Jones làm đạo diễn, phim Her kể về người đàn ông yêu trợ lý AI của mình, được Scarlett Johansson lồng tiếng.

OpenAI dường như cũng không chỉnh sửa bản ghi âm của diễn viên lồng tiếng cho Sky để giống với giọng Scarlett Johansson, dựa trên các clip thử giọng ban đầu mà The Washington Post đã nghe.

Joanne Jang, Giám đốc sản phẩm OpenAI, nói với The Washington Post rằng công ty đã chọn những diễn viên mong muốn làm việc về AI. Joanne Jang cho biết Mira Murati, Giám đốc công nghệ OpenAI, đã đưa ra tất cả các quyết định về dự án giọng nói AI và Sam Altman không liên quan mật thiết đến quá trình này.

Theo The Washington Post, Joanne Jang cũng nói rằng với cô, Sky không giống giọng Scarlett Johansson chút nào.

Nữ diễn viên lồng tiếng cho Sky chia sẻ với The Washington Post thông qua người đại diện rằng cô chỉ sử dụng giọng nói tự nhiên của mình và chưa bao giờ được so sánh với Scarlett Johansson. Thế nhưng, trong tuyên bố mà đội ngũ của Scarlett Johansson chia sẻ với trang Engadget, nữ diễn viên người Mỹ 39 tuổi nói rằng cô bị sốc khi OpenAI theo đuổi giọng nói “nghe giống cô một cách kỳ lạ” đến nỗi “những người bạn thân nhất của cô và các hãng tin không thể nhận ra sự khác biệt”.

Scarlett Johansson tiết lộ Sam Altman lần đầu tiên liên lạc với cô vào tháng 9.2023 để đề nghị nữ diễn viên lồng tiếng cho ChatGPT nhưng bị từ chối. Sau đó, Giám đốc điều hành OpenAI liên lạc lại với Scarlett Johansson chỉ hai ngày trước khi công ty giới thiệu mô hình AI đa phương thức GPT-4o để đề nghị cô xem xét lại.

Sky là một trong những giọng nói của ChatGPT kể từ tháng 9.2023, nhưng GPT-4o đã mang lại cho nó khả năng để có những cuộc trò chuyện giống con người hơn với người dùng. Điều đó khiến sự giống nhau giữa giọng nói của Sky và Scarlett Johansson được đem ra so sánh. Điều đáng chú ý là Sam Altman đăng bài trên X với một từ her duy nhất, mà nhiều người cho rằng ám chỉ đến phim cùng tên, sau khi OpenAI trình diễn khả năng trò chuyện và biểu cảm như con người của GPT-4o hôm 14.5.

OpenAI đã tạm dừng sử dụng giọng nói của Sky "vì tôn trọng" những lo ngại của Scarlett Johansson, công ty viết trong một bài đăng trên blog. Tuy nhiên, nữ diễn viên U.40 cho biết OpenAI chỉ ngừng sử dụng giọng nói của Sky sau khi cô thuê luật sư viết thư cho Sam Altman và công ty để yêu cầu giải thích.

vu-scarlett-johansson-to-openai-sao-chep-giong-noi-thoi-bung-len-noi-so-ai-khap-hollywood.jpg
Scarlett Johansson tiết lộ Sam Altman từng đề nghị cô lồng tiếng cho ChatGPT vào tháng 9.2023 - Ảnh: Internet

OpenAI không trả lời Reuters khi được đề nghị bình luận về mối quan hệ của họ với Hollywood sau tranh cãi với Scarlett Johansson.

Ngay cả trước khi xảy ra sự việc này, các đại lý và nhà điều hành Hollywood giấu tên nói với Reuters rằng họ lo ngại các mô hình AI của OpenAI dường như được đào tạo dựa trên các tác phẩm có bản quyền mà công ty này coi là sử dụng hợp lý vì chúng có sẵn trên internet. Điều đó được coi là trở ngại lớn với một số đạo diễn và nhà làm phim chuyên nghiệp, vì họ có thể ngần ngại sử dụng công cụ được xây dựng mà không có sự đồng ý về tác quyền của người khác.

Thế nhưng, các nhà công nghệ trong ngành giải trí xem Sora như công cụ AI tiềm năng đầy hứa hẹn để cải thiện quá trình làm phim và truyền hình. Họ nhìn thấy những ứng dụng ngắn hạn từ Sora để đẩy nhanh tốc độ của các hiệu ứng kỹ thuật số.

Kênh Fox đã sử dụng ChatGPT để giới thiệu các chương trình truyền hình và phim mới cho người xem dịch vụ phát trực tuyến Tubi của mình.

Dù OpenAI cho biết nhắm tới việc bảo vệ bản quyền, ngăn chặn khả năng Sora tạo video có các nhân vật quen thuộc như Superman hoặc diễn viên nổi tiếng như Jennifer Aniston, nhưng vẫn còn những lo ngại về cách công ty này sẽ bảo vệ các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn.

“Phải có một giải pháp cấp liên bang”

Cuộc tranh cãi giữa Scarlett Johansson và OpenAI mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến giữa ngành công nghiệp nội dung và các công ty AI hàng đầu. Scarlett Johansson có cơ sở để tranh luận rằng OpenAI đã vi phạm quyền công khai của cô. Quyền này cho phép một người kiểm soát việc sử dụng thương mại tên, hình ảnh hoặc hình tượng của mình, theo John Yanchunis - đối tác tại công ty luật Morgan & Morgan.

Nữ ca sĩ Bette Midler từng sử dụng luật bang California (Mỹ) trong một vụ kiện mà các học giả pháp lý coi là đã thiết lập tiền lệ. Bette Midler thắng kiện công ty quảng cáo của Ford là Young & Rubicam vì thuê một ca sĩ hát bè bắt chước màn trình diễn ca khúc Do You Want to Dance? của cô trong quảng cáo ô tô sau khi Midler từ chối lời đề nghị thể hiện bài hát này. Vụ kiện được đệ trình vào năm 1987 và lên đến Tòa án Tối cao Mỹ, nơi bảo vệ quyền công khai của Bette Midler.

Nam ca sĩ Tom Waits thắng một vụ kiện tương tự vào năm 1988 chống lại Frito-Lay vì một quảng cáo có màn trình diễn bắt chước phong cách hát khàn đặc trưng của anh.

"Trong cả hai trường hợp này, các người bắt chước giọng hát đều thể hiện ca khúc mà hai ca sĩ đã làm cho nổi tiếng, vì vậy nhiều người có thể cho rằng chính ca sĩ đó hát và quảng cáo cho sản phẩm", theo Mark Lemley, Giám đốc Chương trình Luật, Khoa học và Công nghệ của Đại học Stanford.

Sự việc liên quan Scarlett Johansson mới đây ít rõ ràng hơn những vụ việc trước đó, dù giọng Sky được cho giống nữ diễn viên này trong phim Her, cùng nỗ lực từ Sam Altman để thuê cô lồng tiếng và dòng tweet của Giám đốc điều hành OpenAI đề cập đến phim này, đã tạo nên “một trường hợp khá chắc chắn cho Johansson”, Mark Lemley nói.

Jeffrey Bennett, Tổng cố vấn cho SAG-AFTRA, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quyền công khai ở bang California và các nơi khác trên toàn nước Mỹ, đã thúc đẩy quyền liên bang với giọng nói và hình ảnh tương tự các biện pháp bảo vệ bản quyền ở Mỹ.

SAG-AFTRA là liên minh của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (Screen Actors Guild) và Hiệp hội Nghệ sĩ Phát thanh Truyền hình (American Federation of Television and Radio Artists). Đây là tổ chức lao động đại diện cho hơn 160.000 diễn viên, ca sĩ, vũ công, diễn viên đóng thế và các chuyên gia truyền thông khác ở Mỹ.

“Chúng tôi rất vui mừng vì giờ đây đã có một cuộc đối thoại lớn về vấn đề này. Chúng tôi đã cố gắng la hét và kêu gọi sự chú ý trong một thời gian khá dài... Chúng tôi đã nói về sự gia tăng của deepfake và giờ đây nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến người khác. Bây giờ, nó thực sự là một cuộc trò chuyện. Phải có một giải pháp cấp liên bang”, Jeffrey Bennett cho hay.

Bài liên quan
Sam Altman thuyết phục Hollywood rằng Sora sẽ không phá hủy ngành kinh doanh điện ảnh
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đang cố gắng thuyết phục các nhà quản lý Hollywood rằng Sora sẽ không phá hủy ngành kinh doanh điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo hoàn thiện 3 nghị định quan trọng về đất đai
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều 11.6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, cơ quan, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; dự thảo Nghị định về giá đất; dự thảo Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ Scarlett Johansson tố OpenAI sao chép giọng nói thổi bùng lên nỗi sợ AI khắp Hollywood