Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc vừa có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT.

Vụ tàu, thuyền PPC: DN đề nghị lùi thời gian áp dụng Thông tư 43

Trí Lâm | 27/06/2017, 18:44

Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc vừa có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT lùi thời hạn có hiệu lực hoặc tạm đình chỉ Thông tư 43/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT.

Theo ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc, nếu Thông tư 43/2016/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 28.7.2017 thì doanh nghiệp sản xuất tàu thuyền công nghệ vật liệu mới PPC sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đó, nên lùi thời gian có hiệu lực thông tư này.

Ông Đảo cho rằng, Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT được ban hành bởi Thông tư 43/2016/TT-BGTVT là một văn bản pháp luật mang tính pháp lý buộc các bên liên quan phải thực thi, không dễ dàng có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung trong khi chính cơ quan đăng kiểm khẳng định là cần thêm thời gian thử nghiệm tàu PPC để điều chỉnh bổ sung quy chuẩn.

“Hiện doanh nghiệp đang nhận được sự ủng hộ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đóng thử nghiệm tàu đánh cá vật liệu PPC cho ngư dân. Nếu QCVN 95:2016/BGTVT có hiệu lực thi hành thì cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN-PTNN cũng có quyền từ chối đăng kiểm tàu cá vật liệu PPC khi quy mô kích thước, sức chở lớn hơn quy chuẩn cho phép”, ông Đảo nói.

“Tại sao cơ quan đăng kiểm lại ban hành quy chuẩn giới hạn tàu chở 12 người trong khi trước đó các bản dự thảo quy chuẩn không hề có việc giới hạn số người?”, ông Đảo nêu câu hỏi.

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc cùng các chuyên gia kĩ thuật cạnh con tàu bằng PPC

Theo các chuyên gia, đăng kiểm thực chất là một hoạt động giám định để kiểm tra phương tiện có đáp ứng được yêu cầu an toàn và bảo vệ môi trường hay không thì cho vào lưu thông. Từ năm 2015 đến 2016, mặc dù chưa có quy chuẩn cho tàu PPC nhưng Cục cũng đã đăng kiểm hàng loạt tàu thuyền cho doanh nghiệp trên cơ sở quy trình kiểm tra tàu thuyền tạm thời để cấp đăng kiểm cho tàu hoạt động.

Như vậy, nếu chưa có quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT thì Cục đăng kiểm vẫn có thể tiến hành công tác đăng kiểm bình thường như cách thức đang làm hiện nay và cũng là cách mà đăng kiểm Cslloyd và đăng kiểm Hải quân đã làm từ năm 2013.

“Cục Đăng kiểm lo ngại vấn đề pháp lý khi đăng kiểm mà không có quy chuẩn cho tàu vật liệu PPC sẽ phạm luật là không đúng. Bởi vì thực chất việc đăng kiểm tàu đều có tiêu chuẩn đầy đủ, ngay trong quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cũng đều viện dẫn hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm trong nước và thế giới mà cơ quan đăng kiểm đang áp dụng”, ông Đảo nói.

Theo vị này, QCVN 95:2016/BGTVT thực chất là tổng hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn đang có và chỉ bổ sung thêm các tính chất đặc thù của vật liệu PPC để trở thành quy chuẩn cho tàu PPC. Việc đăng kiểm một phương tiện giao thông đâu chỉ có dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn có sẵn mà phải kiểm tra tính toán, thiết kế, quá trình sản xuất, chạy thử thực tế của phương tiện, nếu kết quả tốt thì cơ quan đăng kiểm mới cấp đăng kiểm cho phương tiện họat động.

Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT chỉ nói đến tàu một thân, do vậy nếu quy chuẩn có hiệu lực thì loại tàu hai thân mà doanh nghiệp muốn phát triển sẽ không được đăng kiểm ngay cả nó chỉ để chở 12 người. Tàu hai thân là sự phối trộn giữa hai loại vật liệu thép và PPC nhưng quy chuẩn thì lại không chấp nhận điều này. Đây chính là sự bất cập mà cơ quan đăng kiểm cần phải xem xét bổ sung để tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo.

“Nếu cứ suy nghĩ phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn mới được sản xuất tàu thuyền thì sẽ không có sáng tạo; sản phẩm mới phải có trước rồi mới có tiêu chuẩn, quy chuẩn; cái mới, cái sáng tạo thì không thể có ngay tiêu chuẩn, quy chuẩn được”, văn bản nêu rõ.

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm tàu PPC, ngày 25.9.2012 Cục Đăng kiểm đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Cslloyd với sự chứng kiến của đại diện Công ty Việt Séc. Theo đó, Cslloyd sẽ tiến hành đăng kiểm và chuyển kết quả cho đăng kiểm Việt Nam công nhận. Cục Đăng kiểm cho rằng đăng kiểm nước ngoài không được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thì tại sao Cục Đăng kiểm lại ký thỏa thuận hợp tác với Cslloyd?

Theo đó, doanh nghiệp đề nghị VCCI kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm tôn trọng thỏa thuận đã ký kết, tạo điều kiện cho cơ quan đăng kiểm Cslloyd vào Việt Nam đăng kiểm tàu công nghệ vật liệu mới PPC và công nhận kết quả đăng kiểm của cơ quan này. Việc Cslloyd hợp tác với đăng kiểm Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc về đăng kiểm tàu thuyền công nghệ mới.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ tàu, thuyền PPC: DN đề nghị lùi thời gian áp dụng Thông tư 43