Viện KSND tối cao kiến nghị Bộ KH-CN cần tăng cường trách nhiệm quản lý kết quả nghiên cứu các đề tài thuộc sở hữu nhà nước do Bộ trưởng KH-CN làm đại diện chủ sở hữu.
Liên quan đến vụ án Việt Á, Viện KSND tối cao đã truy tố 38 bị can, trong đó có nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong các bộ ngành, như Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế)…
Kiến nghị xử lý về mặt Đảng, chính quyền
Ngoài việc truy tố các bị can, Viện KSND tối cao cũng xác định các ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH-CN và Trần Văn Tùng - cựu Thứ trưởng bộ này “có trách nhiệm liên quan trong quản lý, khen thưởng, thông tin tuyên truyền đề tài”.
Tuy nhiên, VKS đánh giá họ “không ai can thiệp, tác động; không thông đồng, không thỏa thuận với đơn vị, cá nhân nào; không hưởng lợi” nên cơ quan tố tụng không xử lý hình sự, chỉ kiến nghị xử lý về mặt Đảng, chính quyền.
Theo cáo trạng, khi ông Huỳnh Thành Đạt được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ KH-CN thì thời gian này Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành tạm thời kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt không được đơn vị, cá nhân nào báo cáo về việc quản lý, xử lý kết quả đề tài nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm của Việt Á. Do vậy, ông Đạt không kiến nghị thu hồi số đăng ký của Việt Á.
Với cựu Thứ trưởng Trần Văn Tùng (ông Tùng đã nghỉ hưu từ ngày 1.7.2023), cáo trạng xác định ông nhận chỉ đạo của bị can Chu Ngọc Anh khi ký công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị, giúp Công ty Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng 3 dù không đúng đối tượng, thành tích. Việc này giúp Việt Á biến sản phẩm nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của doanh nghiệp.
Đối với một số cá nhân tại Bộ Y tế, VKS xác định ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế (hiện đã nghỉ hưu) đã ký 2 quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức cho test kit để Công ty Việt Á sản xuất, bán thương mại thu lợi bất chính, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, VKS xét thấy đây không phải là lĩnh vực ông Sơn phụ trách, không thông đồng, không thỏa thuận để làm lợi cho Việt Á, không có động cơ vụ lợi. Ông Sơn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng ra quyết định kỷ luật nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an vận dụng các quy định của pháp luật, miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ.
Đối với ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Cấp số đăng ký lưu hành), theo VKS, ông Cường đã thiếu kiểm tra trong việc cấp số lưu hành, giá hiệp thương nhưng không thông đồng, không có động cơ vụ lợi; các sai phạm trên, trách nhiệm chính thuộc về bị can Nguyễn Thanh Long nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Cường là phù hợp.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Ngoài những nội dung trên, Viện KSND tối cao cũng kiến nghị Bộ KH-CN cần tăng cường trách nhiệm quản lý kết quả nghiên cứu các đề tài thuộc sở hữu nhà nước do Bộ trưởng KH-CN làm đại diện chủ sở hữu; kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ KH-CN, quản lý sinh phẩm y tế, đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Bộ Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế…
Bộ Tài chính cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác thẩm định giá, xem xét xử lý hành chính, rút giấy phép hoạt động đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm đã được kết luận trong vụ án.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế của các đơn vị, cơ sở y tế công lập, phòng ngừa các vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu.