Mới đây, mạng xã hội và báo chí lan truyền câu chuyện một du khách Nhật Oki Toshiyuki 83 tuổi phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút đi từ chợ Bến Thành về khách sạn ở TP.HCM gây bức xúc lớn trong cộng đồng.

Vụ xích lô 'chặt chém' du khách Nhật 2,9 triệu đồng: Sẽ nguy hiểm cho du lịch Việt Nam

05/08/2019, 13:02

Mới đây, mạng xã hội và báo chí lan truyền câu chuyện một du khách Nhật Oki Toshiyuki 83 tuổi phải trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút đi từ chợ Bến Thành về khách sạn ở TP.HCM gây bức xúc lớn trong cộng đồng.

Ngồi xích lô ngắm phố phường là trải nghiệm mà du khách nước ngoài rất thích ở VN thế nhưng, giá cả đôi khi lại không rõ ràng - Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet

Theo lời ông Oki Toshiyuki chia sẻ thì chiều ngày 3.ông ra khỏi khách sạn ở khu vực Q.1 rồi đi bộ dạo chơi loanh quanh gần đó. Sau đó ít phút thì một anh đạp xích lô đến gần và nói gì đó nhưng ông chỉ cười. Anh này cứ đẩy xe đi theo cụ và trao đổi bằng tiếng Anh… bồi. Khi đến gần chợ Bến Thành thì anh xích lô tỏ ý muốn chở ông về khách sạn và ông đồng ý.

Đoạn đường về ngắn (từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside, đường Tôn Đức Thắng, Q.1) nhưng cụ rất cảm kích trước ý tốt của anh xích lô nên khi gần đến khách sạn, ông đã lấy 1 tờ 500 ngàn đồng đưa cho anh này thì anh này… tỏ ý đòi thêm. Ông cũng đồng ý nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì anh xích lô thò tay vào bóp ông, lấy hết 5 tờ 500.000đ và 2 tờ 200.000đ của ông rồi bỏ đi.

Dù là nạn nhân bị “chặt chém” nhưng du khách Nhật lớn tuổi này vẫn cho rằng lỗi là ở ông vì đã không hỏi giá trước khi lên xe.

Ông Oki Toshiyuki và cuốn nhật ký ghi chi tiêu mỗi ngày - Ảnh: Thanh Niên

Câu chuyện trên sau khi được Thanh Niên đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc và phẫn nộ với hành động “cướp trên giàn mướp” của anh xích lô trên và cho rằng đó không phải là hành động “chặt chém” thông thường, nó ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Vụ việc trên hiện đang được Sở Du lịch TP.HCM xác minh thông tin và làm rõ sự việc. Riêng Tổng lãnh sự quán Nhật bản tại TP.HCM xác nhận trên truyền thông rằng chưa có công dân Nhật bản nào trình báo với cơ quan này về sự việc được đề cập.

Trả lời trên Dân Trí, bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, đã nắm được sự việc qua báo chí và cho rằng đây là sự việc xấu xí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh điểm đến Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Sự việc này người bình thường cũng thấy quá đáng. Bản thân chúng tôi và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đang rất bức xúc”, bà Khánh nói.

Cũng trả lời trên Dân Trí, PGS.Ts Phạm Trung Lương, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng có thể khởi tố người xích lô nếu có dấu hiệu lừa đảo, trấn lột du khách.

Theo Người Đưa Tin, ở góc độ luật pháp, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định trên rằng: “Sự việc này có các dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, được thực hiện trước mặt bị hại và những người khác. Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…). Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản”.

Theo phân tích của hãng luật Hoàng Phi, Khoản 1, Điều 172 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (...), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vậy thì tội này có dấu hiệu sau: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, được thực hiện trước mặt bị hại và những người khác. Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…). Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản.

Trong khi đó, trên mạng xã hội và các diễn đàn, nhiều bạn đọc bức xúc nói rằng hành động này không thể gọi là chặt chém mà là “ăn cướp” và “Đừng để những con người như thế làm xấu hình ảnh của thành phố và đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh mới có tính răn đe”.

Ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang nỗ lực xây dựng và phát triển, đồng thời tích cực quảng báo hình ảnh đẹp, là điểm đến thân thiện thế nên, việc “con sâu làm rầu nồi canh” như anh xích lô đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch, cần được xử lý nghiêm khắc, nếu không sẽ thật nguy hiểm cho du lịch Việt Nam.

Minh An (Tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
27 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ xích lô 'chặt chém' du khách Nhật 2,9 triệu đồng: Sẽ nguy hiểm cho du lịch Việt Nam