Các đại biểu quốc hội cho biết còn có những khó khăn, vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch.

Vướng mắc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống COVID-19

Hoài Lam | 29/05/2023, 18:15

Các đại biểu quốc hội cho biết còn có những khó khăn, vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đến ngày 31.12.2022, kinh phí phòng chống dịch COVID-19 đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên 87.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch là 4.487 tỉ đồng; mua vắc xin phòng COVID-19 là 15.134 tỉ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 là 4,6 tỉ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỉ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 là 719 tỉ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là 89 tỉ đồng.

ngan-2.jpg
Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5

Việc hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến là 403 tỉ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19, chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến là 96 tỉ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chỉ rõ còn có những khó khăn, vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 14, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước phải có “hợp đồng tặng cho tài sản trong trường hợp chuyển giao dưới hình thức tặng cho và theo quy định của pháp luật phải lập thành hợp đồng”. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản.

Mặt khác, hồ sơ xác lập sở hữu toàn dân về tài sản còn bao gồm: bảng kê chủng loại, số lượng, khối lượng, giá trị, hiện trạng của tài sản. Trong đó việc xác định giá trị tài sản được quy định tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ: "Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường".

Các đại biểu quốc hội nêu thực tế triển khai, một số đơn vị tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân bằng hiện vật chỉ tiếp nhận về số lượng mà không có đơn giá, không xác định được giá trị. Nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của cơ quan chức năng.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản để xác lập sở hữu toàn dân do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, và trong việc quản lý tài sản tài trợ, tặng, cho theo quy định của Luật Kế toán.

Nhiều đơn vị, địa phương không dự kiến được số thiết bị được tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân tài trợ; có trường hợp nhà tài trợ, viện trợ chỉ định đơn vị nhận, cấp theo địa chỉ của nhà tài trợ, viện trợ; thiếu hợp đồng cho, tặng, nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng hóa, tài sản dẫn đến khó khăn trong xác lập sở hữu toàn dân và công tác quản lý, sử dụng.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng, do đại dịch COVID-19 chưa hề có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị trực thuộc ngành y tế là cơ quan thường trực phòng chống dịch. “Ngoài việc đảm bảo bố trí đủ nhân lực, chuyên môn y tế còn được giao nhiệm vụ tổ chức mua sắm vật tư, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng chống dịch với phương châm 4 tại chỗ”, bà Ngân nói.

ngan.jpg
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng trong quá trình thực hiện, do nguyên nhân khác nhau, như một số cán bộ thực hiện phân công tham gia đấu thầu thiếu kinh nghiệm, thủ tục thực hiện đấu thầu kéo dài vì liên quan đến xác định giá dự toán gói thầu. Trong khi đó, việc cung ứng vật tư, hóa chất, sinh phẩm là đòi hỏi cấp bách. Tại một số thời điểm, các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo đại biểu, để đảm bảo vật tư, sinh phẩm phòng chống dịch, một số địa phương đã phải tổ chức vay mượn của các đơn vị tuyến trên, đơn vị bạn và một số nhà cung cấp trước đó. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát vẫn còn một số địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng chống dịch COVID-19 mà chưa có phương án tháo gỡ vướng mắc.

Cùng quan điểm này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cũng nêu vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống dịch, trong điều kiện dịch bệnh cấp bách.

Theo đó, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch phải phân bổ ngay, tiếp nhận cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tài sản trên chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Quốc hội quy định rõ nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, tặng, biếu trong phòng chống dịch COVID để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vướng mắc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng chống COVID-19