Theo ông Nguyễn Anh Trí, nên ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID - 19 tại Việt Nam, mà cần tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý.

Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí: Đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam vì đã quá muộn

Hoài Lam | 29/05/2023, 12:44

Theo ông Nguyễn Anh Trí, nên ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID - 19 tại Việt Nam, mà cần tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý.

Đã quá chậm muộn

Thảo luận tại Quốc hội ngày 29.5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch COVID 19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, đã có đủ, kịp thời và có ngay vắc xin để tiêm phòng cho nhân dân.

Ông Trí cũng cho hay đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng chống dịch COVID 19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.

“Tham ô, tham nhũng cần bị xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý có tình, thật công bằng với những ai không vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm đạt lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội”, ông Trí nêu.

tri.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí 

Ông Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Việt Nam ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng COVID-19 vì đã quá chậm muộn để nghiên cứu sản xuất loại vắc xin này, mà cần tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho dân.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã hết. Theo tính toán, đến tháng 7.2023, các địa phương sẽ không còn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Như vậy, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh đã kiểm soát và khống chế được đang hiện hữu; kết quả to lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 40 năm qua là có thể bị phá vỡ. Nguyên nhân thiếu vắc xin có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là vướng mắc trong mua sắm vắc xin”, bà Luyến nêu.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, qua theo dõi, Bộ Y tế đã tham trình Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tổ chức đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước. Khi Bộ Y tế thống nhất giá, các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.

Đối với vắc xin phải nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung, ký hợp đồng khung với nhà cung ứng trên cơ sở hợp đồng khung thì các địa phương sẽ căn cứ hợp đồng đó để ký hợp đồng cung ứng và trực tiếp thanh toán với nhà cung cấp.

Nhưng theo đại biểu Luyến, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề thiếu vắc xin trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

luyen.jpg
Đại biểu Lò Thị Luyến 

Để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và hiệu quả, đại biểu Luyến đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương và giao cho Bộ Y tế mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương như trước đây.

Theo đó, bà Luyến đề nghị bổ sung nội dung này và khoản 7, điều 2 dự thảo nghị quyết giám sát, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hằng năm, Chính phủ cân đối nguồn ngân sách trung ương để phân bổ kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc xin cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỉ đồng

Cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém của y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân chính là do y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư chưa tương xứng, cơ sở vật chất của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế xã còn thiếu thốn; cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, chậm được khắc phục, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phương còn nhiều hạn chế, chế độ đãi ngộ, tiền lương còn thấp, chưa phù hợp…

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn việc củng cố, hoàn thiện đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng.

nam-2.jpg
Quốc hội thảo luận sáng 29.5

Cũng tâm đến y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở là khoảng 75% thì tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chỉ đạt 34,5% năm 2022, trong đó tại y tế xã chỉ đạt 1,7%. Điều này cho thấy y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Về y tế dự phòng, đại biểu Nam nêu một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, trong đó giai đoạn 2018-2012, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương đảng, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là Chương trình trình tiêm chủng mở rộng.

Vì vậy, theo ông Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin giảm liên tiếp từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022.

Đại biểu Nam cho rằng không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân.

Để công tác y tế dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, đại biểu Nam đề nghị tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

“Trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỉ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỉ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, ông Nam nêu.

nam.jpg
Đại biểu Nguyễn Thành Nam 

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng cần phát triển theo hướng y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

“Hiện nay cả nước có rất nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Đây là mảng y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế cơ sở này chưa chưa đáp ứng cũng như chưa thích ứng sự với thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Bình nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí: Đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam vì đã quá muộn