Trung Quốc mới đây đã cáo buộc Đài Loan chống phá Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm tìm kiếm sự độc lập và liên kết với người dùng internet để truyền bá quan điểm phân biệt chủng tộc, sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tố ông bị xúc phạm bởi những “kẻ đến từ Đài Loan”.

WHO thổi lửa vào căng thẳng 2 bờ eo biển Đài Loan

10/04/2020, 15:51

Trung Quốc mới đây đã cáo buộc Đài Loan chống phá Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm tìm kiếm sự độc lập và liên kết với người dùng internet để truyền bá quan điểm phân biệt chủng tộc, sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tố ông bị xúc phạm bởi những “kẻ đến từ Đài Loan”.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AP

Trong một cuộc họp báo hôm 8.4 tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros cho biết đã trở thành mục tiêu tấn công, bao gồm những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc, từ khi dịch bệnh xảy ra. Tổng giám đốc WHO đã chỉ đích danh Đài Loan "phát động cuộc tấn công này" trong 3 tháng qua.

"Đài Loan, cũng như cơ quan ngoại giao của họ, đều biết chiến dịch này. Họ đã không đứng ngoài cuộc. Thậm chí họ còn bắt đầu chỉ trích tôi giữa lúc xuất hiện tất cả những lời phỉ báng nhục mạ đó. Nhưng tôi không quan tâm", ông Tedros nói.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 9.4 đã chỉ trích Đài Loan, phản đối mọi nỗ lực sử dụng dịch bệnh cho mục đích chính trị hóa hoặc kỳ thị, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công cá nhân cũng như những lời lẽ và hành động phân biệt chủng tộc đối với người đứng đầu WHO.

“Dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Tedros, WHO đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia đối phó với dịch bệnh và thúc đẩy hợp tác chống dịch bệnh quốc tế bằng cách tích cực thực hiện trách nhiệm của mình và giữ vững lập trường khách quan, dựa trên cơ sở khoa học và không thiên vị, đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, chính quyền của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) tại Đài Loan đã làm tất cả những gì có thể để thực hiện các hành động với mục tiêu thao túng chính trị liều lĩnh, thổi phồng sự tham gia của Đài Loan vào WHO và Liên Hợp Quốc. Ý định thực sự của họ là tìm kiếm sự độc lập dưới cái cớ của đại dịch. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó. Kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành công”, ông Triệu phát biểu.

Cùng ngày, Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc cũng “lên án mạnh mẽ” DPP, đảng cầm quyền Đài Loan vì đang cố gắng sử dụng coronavirus để tìm kiếm sự độc lập, tấn công vào WHO, liên kết với mạng xã hội để truyền bá những bình luận ​​phân biệt chủng tộc một cách bừa bãi.

Đài Loan đáp trả gay gắt

Những cáo buộc của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắm vào Đài Loan gây ra phản ứng giận dữ ở hòn đảo. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan lên tiếng khẳng định những lời lẽ của ông Tedros là "vô căn cứ", bày tỏ sự thất vọng và phản đối mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu ông phải xin lỗi.

“Đài Loan là một hòn đảo dân chủ tiên tiến và có trình độ học vấn cao, hoàn toàn không có chuyện xúi giục người dân tấn công vào cá nhân ông Tedros, cũng như không thể đưa ra bất kỳ bình luận phân biệt chủng tộc nào. Đài Loan rất lấy làm tiếc vì ông Tedros phải chịu những lời công kích phân biệt đối xử bởi 23 triệu người Đài Loan từ lâu cũng đã trải qua sự phân biệt chính trị nghiêm trọng của hệ thống y tế quốc tế, vì vậy cảm thông với ông, và lên án bất kỳ hình thức phân biệt đối xử bất công nào”, Cơ quan Ngoại giao tuyên bố.

Cơ quan này cũng chỉ ra rằng WHO và ông Tedros, với tư cách là tổ chức y tế quốc tế quan trọng nhất và là nhà lãnh đạo của tổ chức, nên tiếp nhận sự giám sát hợp lý của người dân toàn cầu đối với các biện pháp ứng phó dịch bệnh.

“Tuy nhiên, ông Tedros, với những cáo buộc không chính đáng, được thực hiện mà không có bất kỳ nỗ lực xác minh nào, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính quyền hòn đảo và người dân Đài Loan. Hành vi này rất vô trách nhiệm, và Đài Loan yêu cầu ông Tedros phải ngay lập tức đính chính những cáo buộc vô căn cứ của mình, ngay lập tức làm sáng tỏ và xin lỗi người dân Đài Loan”, Cơ quan Ngoại giao của Đài Loan cho hay.

Trên mạng xã hội Facebook, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã mời ông Tedros đến hòn đảo và xem cách họ ứng phó với dịch bệnh, thách thức ông "chống lại áp lực từ Trung Quốc".

“Nếu Tổng giám đốc WHO Tedros có thể chống lại áp lực từ Trung Quốc và đến Đài Loan để chứng kiến những nỗ lực của chúng tôi trong cuộc chiến với COVID-19, ông ấy sẽ có thể thấy rằng người dân Đài Loan mới là nạn nhân thực sự của sự đối xử bất công. Chúng tôi đã không được gia nhập các tổ chức quốc tế trong suốt nhiều năm và chúng tôi hiểu cảm giác bị phân biệt và bị cô lập hơn bất cứ ai khác. Tôi tin rằng WHO sẽ chỉ thực sự hoàn thiện nếu bao gồm cả Đài Loan”, bà Thái nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Cơ quan Tư pháp Đài Loan hôm 3.4 đã chỉ ra rằng các bài đăng trên mạng xã hội Twitter có nội dung về một người Đài Loan xin lỗi Tổng giám đốc WHO Tedros vì đã phân biệt chủng tộc, đã thực sự có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục, và bày tỏ lo ngại về các hoạt động “chống phá có chủ ý” từ các lực lượng ở “bên ngoài”.

Trung Quốc vốn từ lâu luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất và không ngừng gây áp lực đối với hòn đảo này, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh đã nhiều lần triển khai máy bay, tàu chiến xung quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, đồng thời gia tăng sức ép nhằm khiến hòn đảo tự trị này mất đi nhiều đồng minh ngoại giao.

Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, Đài Loan cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục gây áp lực quân sự. Cơ quan phòng vệ của hòn đảo hôm 3.4 nói rằng các máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đại lục một lần nữa thực hiện các cuộc tập trận gần Đài Loan, trên vùng biển phía tây nam.

Do sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc đại lục cùng sự trao đổi thường xuyên của người dân hai bờ eo biển, Đài Loan đã được dự đoán là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Nhưng nhờ có phản ứng nhanh trong việc xử lý virus cùng sự minh bạch trong việc thông báo cho công chúng về tình hình, truy dấu tiếp xúc của người nhiễm hiệu quả và khuyến cáo công chúng sử dụng khẩu trang ở những nơi công cộng, Đài Loan được coi là đã kiểm soát được đại dịch chết người này.

Hoàng Vũ (theo Reuters, AP, Epoch Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO thổi lửa vào căng thẳng 2 bờ eo biển Đài Loan