Liên quan tới những chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump khi cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏ ra thiên vị Trung Quốc, Bắc Kinh mới đây tuyên bố vẫn sẽ ủng hộ các nỗ lực và vai trò của WHO trong điều hành cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời lên án các động thái của Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tổ chức này cũng như gây nguy hại cho hợp tác quốc tế trong nỗ lực đối phó với đại dịch.

Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Tổng giám đốc WHO, chỉ trích các động thái của Mỹ

10/04/2020, 06:12

Liên quan tới những chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump khi cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏ ra thiên vị Trung Quốc, Bắc Kinh mới đây tuyên bố vẫn sẽ ủng hộ các nỗ lực và vai trò của WHO trong điều hành cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời lên án các động thái của Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tổ chức này cũng như gây nguy hại cho hợp tác quốc tế trong nỗ lực đối phó với đại dịch.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên - Ảnh: Tân Hoa Xã

“Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã rất tích cực thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, duy trì lập trường khách quan, dựa trên cơ sở khoa học và công bằng, đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đối phó với dịch COVID-19 và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Điều này đã được cộng đồng quốc tế công nhận và hoan nghênh.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng nhiều lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, như Liên minh châu Phi, Pháp, Rwanda và Ethiopia, đã công khai bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với WHO và nhấn mạnh sự cần thiết của cộng đồng quốc tế để tăng cường hợp tác chống lại đại dịch”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 9.4.

Bình luận về các cáo buộc khi cho rằng Trung Quốc “che giấu” dịch bệnh và không “minh bạch”, ông Triệu cho biết, điều này hoàn toàn không có căn cứ. “Trung Quốc đã hành động một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, báo cáo ngay về dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới. Trung Quốc đã chia sẻ toàn bộ trình tự gen của coronavirus cho các quốc gia khác và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh, và nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng quốc tê”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng, dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự bùng phát của đại dịch COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa là virus này có “nguồn gốc từ Vũ Hán”.

“Một dịch bệnh có thể bắt nguồn từ bất kỳ thành phố, quốc gia hoặc khu vực nào trên thế giới. Nguồn gốc coronavirus là một vấn đề khoa học cần được chứng minh và giải thích bởi các nhà khoa học và chuyên gia y tế. Có một sự công nhận ngày càng tăng rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đã có hiệu quả và kinh nghiệm của Trung Quốc đáng để học hỏi”, ông Triệu, người trước đó từng tuyên truyền việc chính quân đội Mỹ mang coronavirus tới Vũ Hán, nhấn mạnh.

Hôm 8.4, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc xem xét ngừng tài trợ cho WHO.

“Trong bối cảnh COVID-19 lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới, động thái của Mỹ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động bình thường của tổ chức cũng như hợp tác chống đại dịch quốc tế. Chúng tôi hy vọng các quốc gia có thể làm việc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn và cùng nhau đóng góp cho cuộc chiến toàn cầu chống lại coronavirus”, ông Triệu cho hay.

Tổng thống Trump khẩu chiến với Tổng giám đốc WHO

Còn về phía WHO, đáp lại chỉ trích và đe dọa cắt tiền của Mỹ, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng không nên chính trị hóa dịch bệnh và kêu gọi thế giới đoàn kết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có những màn "lời qua tiếng lại" - Ảnh: Al-jazeera

“Mục tiêu của tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới nên là cứu người. Xin đừng chính trị hóa cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi không làm chính trị ở Tổ chức Y tế Thế giới, chúng tôi không quan tâm tới người giàu hay người nghèo, mà quan tâm đến những người dễ bị tổn thương. WHO sẽ làm mọi thứ có thể để phục vụ nhân loại.

Nếu các vị không muốn có thêm nhiều túi đựng thi thể, hãy kiềm chế việc chính trị hóa vấn đề. Thông điệp ngắn gọn của tôi là: Vui lòng "cách ly" việc chính trị hóa COVID-19. Sự đoàn kết của đất nước các vị là rất quan trọng để đánh bại con virus nguy hiểm này”, ông Tedros cho hay.

Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng bác bỏ lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cáo buộc cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc “thiên vị” Trung Quốc, khẳng định: "Chúng tôi thân với tất cả các quốc gia, chúng tôi mù màu". Ông cũng khuyên Mỹ nên “chấm dứt việc chơi đùa với lửa”, bởi có rất nhiều cách để ghi điểm chính trị. Phát ngôn này được xem là ngầm ám chỉ nhà lãnh đạo 73 tuổi của Mỹ đang tìm cách khẳng định hình ảnh của mình trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay.

Trong phát biểu ngay sau đó, ông Trump đáp trả bằng những công kích mới, tiếp tục xoáy sâu vào quan hệ giữa WHO và Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục chỉ trích các hành động của WHO đều lấy Trung Quốc là trung tâm, còn các tuyên bố của WHO chỉ lặp lại lời của Bắc Kinh, bao gồm cả các thông báo ban đầu rằng không có sự lây nhiễm giữa người với người.

"Tôi không thể tin nổi là ông ta đang nói về chính trị khi nhìn vào mối quan hệ giữ WHO và Trung Quốc. Hóa ra, Trung Quốc bỏ ra 42 triệu USD, chúng tôi chi 450 triệu USD nhưng mọi thứ dường như đều theo ý Trung Quốc. Điều đó không đúng, không công bằng cho chúng tôi và thành thật mà nói cũng không công bằng cho thế giới”, ông Trump cho hay.

Tổng thống Trump sau đó nói rằng số người chết vì COVID-19 nhiều như vậy là do WHO đã không đưa ra được phân tích chính xác. "Tôi nghĩ khi các vị nói về việc cần thêm nhiều túi đựng thi thể, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm tốt hơn, và ông ấy (Tedros) sẽ phục vụ tốt hơn những người ông ấy phải phục vụ nếu họ đưa ra phân tích chính xác", ông Trump nói, dường như ngầm ám chỉ mối liên hệ giữa người đứng đầu WHO và Trung Quốc.

Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang khiến thế giới chao đảo, nhiều chính trị gia trên thế giới đã liên tục đặt ra nhiều chất vấn liệu những lời tán dương của ông Tedros về việc Trung Quốc "câu giờ" cho thế giới có thêm thời gian ứng phó với dịch bệnh có tạo ra cảm giác an toàn giả dẫn tới sự lây lan của coronavirus hay không. Họ cũng lo ngại việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn đầu của dịch bệnh đang làm ảnh hướng tới mức độ đáng tin cậy của cơ quan này trên phạm vi quốc tế.

Đáng chú ý, một số nhà quan sát lưu ý chính Trung Quốc là nước đã có nhiều “tác động hành lang” để ông Tedros có được vị trí như hiện nay. Theo nhiều báo cáo, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ cho ông Tedros trong cuộc bầu cử lãnh đạo WHO năm 2017 qua việc sử dụng những “lời hứa” về hỗ trợ tài chính nhằm kêu gọi các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros.

Hoàng Vũ (theo SCMP, Al-jazeera, China-embassy.org)

Bài liên quan
Perplexity đề nghị sáp nhập với TikTok ở Mỹ khi ông Trump có thể hoãn lệnh cấm trong 90 ngày
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 18.1 cho biết “rất có thể" sẽ gia hạn thêm 90 ngày cho TikTok để tránh lệnh cấm tiềm năng ở Mỹ, sau khi ông nhậm chức vào ngày 20.1. Trong khi đó, TikTok cùng hơn 170 triệu người dùng Mỹ đang hồi hộp chờ đợi trước nguy cơ ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám ngừng hoạt động hôm 19.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Tổng giám đốc WHO, chỉ trích các động thái của Mỹ