Mặc dù giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít từ ngày 11.7 nhưng nhiều mặt hàng giữ nguyên giá, chưa có động thái giảm theo giá xăng.
Giá hàng hóa vẫn cố thủ "đứng im"
Từ ngày 11.7, giá xăng E5RON92 trong nước đã giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5RON92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON95 là 29.670 đồng/lít. Thông tin này khiến không ít người tiêu dùng mong chờ giá nhiều mặt hàng cũng sẽ giảm theo.
Theo ghi nhận của Một Thế Giới, sau khi giá xăng giảm sâu tới hơn 3.000 đồng/lít, giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở Hà Nội vẫn gần như không thay đổi so với trước.
Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như: Định Công, Láng Hạ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Hàng Da... giá thịt lợn vẫn được bán ở mức cao 90.000 - 150.000 đồng/kg, trong đó sườn non có giá đắt nhất. Thịt gà công nghiệp cũng giữ giá ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg; thịt gà ta có giá 120.000 - 150.000 đồng/kg đối. Thịt bò ở mức 330.000 - 370.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá rau xanh ở nhà nơi vẫn giữ giá cao từ lúc giá xăng tăng mạnh, trung bình vẫn từ 7.000 - 10.000 đồng/mớ, các loại rau cả thì có giá khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg. Không chỉ các loại thực phẩm, từ chiếc bánh mì đến bát phở vẫn được giữ nguyên giá, so với cùng kỳ năm ngoái thì mức đã tăng từ 5 - 10%.
Chị Loan - một tiểu thương ở chợ Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, giá xăng giảm mạnh nhưng các mặt hàng thực phẩm vẫn chưa thể giảm theo luôn vì giá nhập vào vẫn giữ nguyên. Nếu giảm theo giá xăng thì cũng phải thời gian tới để xem tình hình giá xăng có ổn định không. "Nếu có giảm thì tôi nghĩ không giảm nhiều, thậm chí là có thể không giảm vì giá cả đầu vào nhiều mặt hàng đang tăng rất mạnh, đặc biệt là giá xăng, xu hướng mặt hàng này từ đầu năm tăng mạnh hơn rất nhiều so với các năm trước", chọ Loan nói.
Ở trong siêu thị, các loại thịt lợn vẫn cao hơn khoảng 20 - 30% so với ngoài chợ. Còn các loại rau phổ biến ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg, mức giá vẫn không thay đổi so với đợt tăng giá xăng gần đây nhất.
Đáng chú ý, một số mặt hàng được cho là tăng giá mạnh vì giá xăng dầu tăng cao như bia, dầu ăn, nước ngọt, đồ khô, gia vị... cũng chưa thấy giảm giá sau khi xăng dầu giảm giá mạnh, giá vẫn đắt hơn cùng kỳ năm ngoái từ 10 - 20%.
Vì sao?
Lý giải nguyên nhân giá xăng, dầu giảm giá vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hóa,giới chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế nền kinh tế thị trường, nhưng giá cả thị trường cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực điều chỉnh giá cả. Đặc biệt, xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này biến động thì chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên không phải ngay lập tức và tùy ngành nghề, lĩnh vực sẽ có mức tác động khác nhau.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu sẽ khó vì ở các mặt hàng đều có các khâu sản xuất và lưu thông nên việc giá giảm thường có độ trễ. Ông cho rằng đợt giảm giá vừa qua, tác động chưa đủ sâu để các nhà sản xuất, bán lẻ cung cấp hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh ngay giá bán.
Theo ông Thịnh, với tình hình hiện nay để các doanh nghiệp, đơn vị điều chỉnh giảm giá hàng hóa theo giá xăng dầu sẽ rất khó vì họ cần phải theo dõi diễn biến giá mặt hàng xăng dầu điều chỉnh thời gian tới. Ít nhất mặt bằng giá hiện tại vẫn sẽ giữ nguyên cho tới kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo. Nếu xăng tiếp tục đi xuống mới có thể tính toán giảm giá bán.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hoá bán lẻ sẽ tăng theo. Tuy nhiên, khi xăng dầu giảm giá, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.
"Hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, còn hệ thống chuỗi siêu thị chiếm thị phần rất ít. Bên cạnh đó là thói quen "tát nước theo mưa" nên khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng cũng tăng theo, còn khi giá xăng dầu giảm xuống thì các tiểu thương ở chợ truyền thống rất ngại trong vấn đề giảm giá", ông Lâm nói