"Một con sông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia, chảy qua thủ đô mà lại làm 6 con đập thì không thể chấp nhận được. Không có lý do kinh tế gì để bao biện cho điều này", TS Đào Trọng Tứ nhận định về 'siêu dự án' trên sông Hồng đang gây xôn xao dư luận.

'Xây 6 con đập trên 1 sông là không thể chấp nhận được'

Trí Lâm | 07/05/2016, 16:46

"Một con sông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia, chảy qua thủ đô mà lại làm 6 con đập thì không thể chấp nhận được. Không có lý do kinh tế gì để bao biện cho điều này", TS Đào Trọng Tứ nhận định về 'siêu dự án' trên sông Hồng đang gây xôn xao dư luận.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về dự án giao thông đường thủy trên sông Hồng, ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu cho rằng, dự án này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng triệu người. Nếu dự án này được thông qua thì sẽ còn nhiều dự án khác được đề xuất trên các con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Điều này thật sự nguy hiểm.

Dự án bất hợp lý

Mới đây, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã trình Thủ tướng xem xét chủ trương đầu tư đối với Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện. Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang. Ngoài ra có thể cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ Kwh/năm.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tua bin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tuy nhiên, dự án này đang dấy lên sự lo ngại của dư luận về những hệ quả không tốt đối với sông Hồng nói riêng, môi trường thiên nhiên và đời sống nói chung của hàng triệu người dân.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu cho biết, đây là dự án chặn sông Thao với 6 con đập. Một con sông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia, chảy qua thủ đô mà lại làm 6 con đập thì không thể chấp nhận được. Không có lý do kinh tế gì để bao biện cho điều này.

“Còn họ nói cải thiện giao thông thủy cũng không đúng. Cải thiện thì chỉ cải thiện từng đoạn một chứ cải thiện với chiều dài như thế thì không ai cải thiện kiểu đó cả. Về lợi ích khi phát điện cũng không được bao nhiêu. Sáu thủy điện nhỏ đó không đóng góp được bao nhiêu điện cho quốc gia. Giao thông không hiệu quả, thủy điện không hiệu quả thì làm làm cái gì” - ông Tứ nói.

Theo ông Tứ, về tác động, chúng ta đã đang chứng kiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, đó là do các nước ở thượng nguồn làm các con đập chặn dòng. Nếu chúng ta cũng làm đập thì sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến lượng phù sa, sinh thái và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hạ lưu sông, làm đảo lộn hết cả.

“Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp bởi đồng bằng sông Hồng cũng là vựa lúa của nước ta. Ngoài ra, thủy sản cũng không còn, chẳng cá tôm nào bơi qua được đập thủy điện cả, cho dù họ có làm đường dẫn cá thì cũng không có tác dụng bao nhiêu. Kéo theo đó là đời sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Tứ nói.

Ông Tứ cũng chia sẻ chưa thấy bất cứ nước nào trên thế giới có chuyện này khi mới 200km làm tới 6 con đập. Chúng ta cũng đã làm một số đập trên các con sông và cũng đã phải trả giá rồi, phải rút ra bài học.

Theo vị chuyên gia này, trong tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất bất hợp lý, ôngcũng không hiểu vì sao một dự án thế này lại được trình lên Thủ tướng, các bộ lại còn đồng tình cao. Vấn đề kinh tế, kỹthuật của dự án này cũng đã lạ lùng lắm rồi, còn vấn đề tâm linh nữa. Sông Hồng là con sông có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Một con sông quan trọng như thế chảy qua thủ đô mà làm đập thì rất khó hiểu.

“Nếu dự án này được thông qua thì sẽ còn nhiều dự án khác được đề xuất trên các con sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… Điều này thật sự nguy hiểm. Dự án này buộc phải có sự tham gia đánh giá, phản biện của nhiều bên. Cần phải qua Quốc hội xem xét, dự án này phải đánh giá môi trường chiến lược chứ không thể xem thường được”, ông Tứ cho hay.

Còn theo ý kiến của bà Ngụy Thụy Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo XanhGreenID, những tác động tiêu cực của thủy điện đã hiện hữu khi không có phương pháp vận hành hiệu quả như: Mất nguồn lợi thủy sản, thiếu phù sa, hạn chồng hạn, lũ chồng lũ..

“Cần làm rõ tính cấp thiết của dự án, đồng thời công khai thông tin về dự án để cộng đồng và các nhà khoa học góp ý, phản biện.Cần xem xét tính pháp lý và phù hợp của dự án với các quy hoạch phát triển lưu vực, quy hoạch điện và quy hoạch ngành có liên quan khác” – bà Khanh nói.

Băn khoăn về hiệu quả đầu tư

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 15 ngày 14.2.2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó hồ sơ đề xuất về nguồn vốn dự án, vốn tự có của chủ đầu tư là 10% và vốn huy động từ ngân hàng và các nguồn khác 90% là chưa phù hợp. Do đó, việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định được ngay.

Văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký, cho rằng nếu dự án phải vay 70% thì vốn chủ sở hữu mà Xuân Thiện phải có sẽ ở mức trên 7.300 tỉ đồng, trong khi đó vốn điều lệ hiện nay của Xuân Thiện mới có 1.200 tỉ đồng.

Theo đó, Bộ Tài chính nhận định, việc các ngân hàng cho vay hay không cũng chưa thể khẳng định. Với dự án quy mô lớn như vậy, khả năng tăng vốn đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính là điều có thể xảy ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, các đập thủy điện trên sông Hồng hiện chưa có trong quy hoạch điện VII mà Thủ tướng vừa thông qua. Cũng chưa có khảo sát về địa chất, thủy văn, nên tập đoàn này chưa đủ cơ sở để góp ý xem hiệu quả của 6 đập thủy điện mà Xuân Thiện xin đầu tư như thế nào cũng như sản lượng các thủy điện này có thể phát.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây mới là dự án sơ khai đề xuất và dừng ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án.

"Muốn đầu tư dự án phải qua các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư” , ông Tự nói.

Ông Tự cho hay, dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5.5, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, chúng ta đã phải trả giá về môi trường khi phát triển ồ ạt thuỷ điện. Vì thế, không làm nhà máy thuỷ điện bằng mọi giá mà phải rất lưu ý, tính toán cẩn trọng tác động tới môi trường đối với dự án.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xây 6 con đập trên 1 sông là không thể chấp nhận được'