Bộ TT-TT đề nghị các bộ ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Khoa học - công nghệ

Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến

Nhã Thanh 17:37 16/04/2024

Bộ TT-TT đề nghị các bộ ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo tại cuộc giao ban quản lý nhà nước quý 1/2024 của Bộ TT-TT, trong lĩnh vực chính phủ số, Bộ TT-TT đã ban hành khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 hướng tới chính phủ số.

Khung kiến trúc 3.0 đã cập nhật các văn bản, xu hướng mới, xây dựng theo hướng toàn diện để có thể áp dụng chung cho toàn quốc. Các địa phương, bộ ngành không phải xây dựng lại kiến trúc của riêng từng cơ quan mà chỉ cần triển khai, quy định chi tiết một số nội dung liên quan theo kiến trúc của Chính phủ đã có.

Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024.

Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đủ điều kiện đạt 100%. Đến thời điểm ngày 19.3, tỷ lệ DVCTT (trên tổng thủ tục hành chính) là 80,44%; tỷ lệ DVCTT toàn trình (trên tổng thủ tục hành chính) là 47,79%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 37,23%.

50 tỉnh thành đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí; 13 tỉnh ban hành chính sách giảm thời gian xử lý để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

dich-vu-cong-truc-tuyen.jpeg
Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới - Ảnh: Internet

Về tổ chức triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia, Bộ TT-TT cho biết Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, là nền tảng quan trọng trong phát triển chính phủ số.

Nền tảng NDXP hiện đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Nền tảng đã kết nối 103 bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở trung ương (cơ bản hết cơ quan cấp I); đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP.

Số lượng người dùng hằng tháng ở 90/103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng giao dịch từ khi đưa vào khai thác từ năm 2019 đến ngày 27.3.2024 đạt khoảng 1,9 tỉ giao dịch.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, phát sinh 224 triệu giao dịch thành công; mỗi ngày có trung bình 2,57 triệu giao dịch thành công.

Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng nhận thấy những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, việc cung cấp DVCTT của cơ quan nhà nước còn chưa thuận tiện; chưa có chính sách khuyến khích người dân khi tiếp cận, sử dụng DVCTT nên tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến thấp, trong đó tỷ lệ hồ sơ người dân tự thực hiện trực tuyến còn thấp…

Do đó, Bộ TT-TT đề nghị các bộ ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy DVCTT.

Bộ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

Bộ cũng đề nghị doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thực hiện nâng cấp, cập nhật lên phiên bản mới nhất…

Các nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024

Trong quý 2, Bộ TT-TT sẽ tập trung đánh giá các cổng dịch vụ công, hướng dẫn các bộ ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công; nghiên cứu, sửa đổi tiêu chí chấm điểm xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2024, trong đó tập trung vào tiêu chí người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa; thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm; đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia (DTI).

Bộ cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến thời kỳ 2024-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Bài liên quan
Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất nước
Trong 63 tỉnh thành, 2 tỉnh Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất nước, là 1.716 và 1.569 dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến