Bên cạnh chiếc ôtô sang trọng, những chiếc xe đạp từ vài chục đến cả trăm triệu, đang trở thành món hàng “đẳng cấp” của không ít đại gia Việt.
Chơi xe đạp, không màng xế sang
Một đại gia chuyên kinh doanh ô tô xe máy tại Hà Nội, vì tuổi cao nên đã rút lui khỏi thương trường để nghỉ ngơi. Sau gần 2 năm gặp lại, thấy ông đạp xe đạp. Con cháu thì sống ở nước ngoài, biệt thự tại Hà Nội có vài chiếc chỉ để cho thuê, hai vợ chồng già rút về ở ngôi nhà vườn rộng 2.500 m2 tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Trong nhà, ngoài 2 chiếc ô tô hạng sang Range Rover EvoQue và Lexus 570 là chiếc xe đạp giá khoảng 300 triệu đồng. Giờ, ông sử dụng xe đạp để đi lại là chính.
Ông tâm sự, do tuổi ngày càng cao, khớp đầu gối, đốt sống lưng bị thoái hóa, đi khám bác sỹ khuyên nên đạp xe để cải thiện sức khỏe. Lúc đầu, ông cũng chỉ mua một chiếc xe đạp Đài Loan, giá hơn 10 triệu đồng, sáng đạp tối đạp vài vòng.
Trước đây, mỗi khi đi lại, ông cứ nghe thấy tiếng lục khục ở đầu gối, nhưng nay không thấy nữa. Đốt sống lưng cũng đỡ cứng như trước. Về sau mới hiểu ra, đạp xe cao cấp hiệu quả hơn cả bởi có kích cỡ phù hợp với thể hình và vóc dáng của người sử dụng. Chẳng hạn, với người cao từ 1,5-1,65m thì phù hợp với những chiếc xe có cỡ 15 hoặc 16 (tương ứng ký hiệu S trong quần áo), còn cao 1,7-1,85m thì chọn cỡ 18 đến 21...
Cuộc chơi ngốn cả trăm triệu
Với xe đạp, hai bộ phận ngốn nhiều tiền nhất là khung xe và bánh xe. Khung xe phải được làm bằng sợi cacbon, titan, hoặc nhôm nguyên khối không sử dụng mối hàn mới đẳng cấp. Hiện nay, khung làm bằng sợi carbon có giá khoảng từ 4.000 - 10.000 USD, bộ bánh xe của một số thương hiệu hàng đầu của Ý có giá 2.000 - 5.000 USD. Ngoài ra còn phanh, cỡ 1.000 - 1.500 USD; giảm sóc cũng có giá tương tự; rồi ghi đông phải bằng titan; chắn bùn bằng sợi carbon,... Chưa kể những phụ kiện đi kèm như thiết bị định vị GPS, đo nhịp tim, màn hình, găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo,... Tổng chi phí dành cho những món đồ này cũng lên đến hàng chục triệu đồng... Nếu chơi toàn hàng đỉnh thì phải chi tới trên 30.000 USD mới thỏa chí, tuy giá rất "chát" nhưng tính ra chẳng bõ bèn gì với những chiếc ô tô giá 5-7 tỷ đồng.
Không chỉ chơi xe mà việc bảo dưỡng cũng vô cùng tốn kém. Xăm xe phải thay bằng hàng chuyên dụng, nhập khẩu trực tiếp, ít có trên thị trường,... Móc lốp phải dùng loại cao cấp khi móc thay xăm mới không làm xước, cong vênh vành. Những loại xe sử dụng phanh đĩa thì phải có quy trình kiểm tra, tra dầu định kỳ. Đặc biệt, chế độ bảo dưỡng định kỳ còn phải rút cả nan hoa để kiểm tra, rồi tra dầu mỡ cho hệ thống xich líp mà dầu mỡ cũng là loại cao cấp không phải dễ mua trên thị trường,...
Kết thúc mỗi buổi đạp xe, trở về nhà, người chơi lại phải tốn thêm cả tiếng đồng hồ cọ rửa, lau chùi xe. Các chi tiết của xe có độ chính xác rất cao, cát bụi bám vào nhiều không chỉ nhanh hỏng mà đi rất khó chịu. Xe phải sạch thì mới kích thích đam mê và cũng là niềm hãnh diện của người sở hữu.
“Chơi xe đạp cũng nghiện không khác gì ma túy. Lúc mình đạp xe nhanh, óc mình phát ra chất endorphine, là một thứ "ma túy nhân tạo" khiến cho đầu óc thấy lâng lâng, sảng khoái”, vị đại gia nói.
Vì thế, đi đâu xa nếu mang được xe đạp đi cùng là ông sẵn sàng, còn nếu không thì nhanh chóng để về vì nhớ nó. Ngày ngày không được đạp vài vòng thấy người khó chịu, còn mê hơn cả vợ.
Vợ ông có lẽ là người không thích đam mê này của chồng. Bà than thở “có hai vợ chồng già, nhà thì rộng, lại vắng người, ông ấy cứ suốt ngày quẩn quanh vào ra với chiếc xe đạp, chẳng quan tâm tới ai, nhiều lúc tôi tức phát điên. Sức khỏe có được cải thiện, nhưng đam mê quá làm tôi ghét cay ghét đắng, nhất là phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để nuôi xe”.
Theo Trần Thủy (Vietnamnet)