Việc Xiaomi gia nhập thị trường ô tô điện đã nhận được sự yêu thích đáng ngạc nhiên của người dùng Apple. Dù là một sản phẩm mới trong lĩnh vực ô tô điện, chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi đã chiếm được 51,9% đơn đặt hàng trước từ người dùng Apple.
Thế giới số

Xiaomi hưởng lợi khi Apple hủy dự án ô tô điện: Hơn 50% chủ sở hữu SU7 là người dùng Apple

Sơn Vân 26/04/2024 17:30

Việc Xiaomi gia nhập thị trường ô tô điện đã nhận được sự yêu thích đáng ngạc nhiên của người dùng Apple. Dù là một sản phẩm mới trong lĩnh vực ô tô điện, chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi đã chiếm được 51,9% đơn đặt hàng trước từ người dùng Apple.

Trong Triển lãm ô tô Bắc Kinh đang diễn ra, Giám đốc điều hành Xiaomi – Lôi Quân đã đề cập rằng người dùng Apple là một trong những khách hàng chính của SU7.

Trong khi Apple đã gác lại dự án ô tô điện kéo dài một thập kỷ thì Xiaomi chỉ mới bắt đầu hành trình ở lĩnh vực này được 3 năm. Cuối tháng 3, Xiaomi đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên là SU7 có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ) và được đón nhận nhiệt tình.

Dù SU7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.

Sự hấp dẫn của Xiaomi SU7 với người dùng Apple có thể là do khả năng tương thích các dịch vụ của công ty Mỹ, chẳng hạn CarPlay. Hơn nữa, SU7 còn hỗ trợ tích hợp iPad trên SU7, cho phép điều khiển một phần xe từ hàng ghế sau.

Lôi Quân nhấn mạnh trong một bài đăng trên mạng xã hội X: “Chúng tôi cam kết biến Xiaomi SU7 thành chiếc ô tô điện thân thiện với Apple nhất hiện có – sự lựa chọn hoàn hảo cho người dùng iPhone và iPad”.

xiaomi-huong-loi-khi-apple-huy-du-an-o-to-dien-hon-50-chu-so-huu-su7-la-nguoi-dung-apple.jpg
SU7 tương thích tốt với các dịch vụ của Apple - Ảnh: Getty Images

Tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Xiaomi cũng chia sẻ một số thông tin đáng chú ý khác về SU7.

Nhu cầu mạnh mẽ và số lượng giao hàng ban đầu

Tính đến ngày 24.4, Xiaomi SU7 đã nhận được hơn 75.000 đơn đặt hàng trước. Xiaomi đã giao thành công hơn 5.781 chiếc SU7 trong vòng 28 ngày kể từ ngày ra mắt, lập kỷ lục cho một thương hiệu mới.

Xiaomi cho rằng thành công này là nhờ thế mạnh sản phẩm của SU7 và công ty có kinh nghiệm sâu rộng trong sản xuất.

Đánh giá tích cực và cơ sở người dùng

SU7 đã nhận được nhiều lời khen ngợi về thời lượng pin, hiệu suất (gồm cả thời gian chạy trên đường đua Chiết Giang vượt qua một số xe sang), các tính năng thông minh (đặc biệt là bãi đậu xe thông minh và hỗ trợ người lái NOA) cùng khả năng chống nắng.

Đáng chú ý, Xiaomi cho biết có một lượng lớn người mua là nữ giới (khoảng 40 - 50%) bị thu hút bởi thiết kế, không gian chứa đồ và khả năng cách nhiệt của SU7.

Điều thú vị là một phần đáng kể người mua SU7 (29%) là những người từng sử dụng ô tô BBA (Mercedes-Benz, BMW, Audi) và ấn tượng bởi công nghệ của Xiaomi.

Người dùng Apple chiếm hơn một nửa số người đặt mua SU7, có thể do Xiaomi tập trung vào khả năng tương thích với các thiết bị Apple.

Kế hoạch và tham vọng năm 2024

Để đáp ứng nhu cầu, Xiaomi đang tăng tốc sản xuất và đặt mục tiêu cung cấp 100.000 chiếc SU7 vào cuối năm 2024. Công ty có kế hoạch mở 219 cửa hàng trên khắp Trung Quốc để cải thiện tốc độ dịch vụ và giao SU7.

Các bản cập nhật phần mềm đã được lên kế hoạch, gồm cả việc giới thiệu dịch vụ đỗ xe từ đầu đến cuối và chức năng hỗ trợ lái NOA trong thành phố lần lượt vào tháng 5 và tháng 8.

Xiaomi đầu tư rõ rệt vào R&D (nghiên cứu & phát triển), với đội ngũ hơn 6.000 người, trong đó có 3.500 người phụ trách R&D và hơn 1.000 chuyên gia kỹ thuật.

Mục tiêu dài hạn của Xiaomi là lọt vào top 5 nhà sản xuất ô tô toàn cầu trong vòng 15 - 20 năm tới. Công ty Trung Quốc đang tích cực tuyển dụng nhân tài để đạt được mục tiêu này.

Xiaomi có thể sản xuất ô tô điện bằng máy móc và kỹ thuật mà Tesla đi tiên phong

Đầu năm 2024, Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng các công ty Trung Quốc là thách thức lớn nhất với tham vọng ô tô điện của Tesla.

Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.

Nỗi lo ngại của Elon Musk đã trở thành sự thật khi Tesla công bố số lượng ô tô điện giao trong quý 1/2024 sụt giảm (lần đầu trong gần 4 năm), giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.

Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.

Cuối năm ngoái, Xiaomi gợi ý rằng có thể sản xuất ô tô điện được một phần nhờ vào quá trình “đúc khuôn siêu tốc” mà họ “tự phát triển”. Phần sản xuất này biến kim loại nóng chảy thành khuôn và yêu cầu các máy móc lớn, phức tạp. Làm thế nào mà Xiaomi, công ty chuyên sản xuất các smartphome cạnh tranh với iPhone, có thể phát triển và quản lý được điều đó?

Với một số nhà phân tích, có lý do để tin rằng Tesla đã vô tình góp phần vào thành tích ấn tượng ban đầu của Xiaomi.

Kyle Chan, chuyên gia tại Đại học Princeton (Mỹ), gần đây cho biết Xiaomi áp dụng cách sản xuất ô tô điện bằng các máy móc tương tự như Giga Press mà Tesla sử dụng trong quy trình đúc khuôn của mình.

Giga Press là một loại máy đúc khuôn áp lực cao được Tesla phát triển cùng công ty LK Group (Trung Quốc). Đây là máy đúc khuôn lớn nhất thế giới, có lực kẹp từ 55.000 đến 61.000 kilonewton và nặng từ 410 đến 430 tấn.

Giga Press được sử dụng để sản xuất các bộ phận lớn của ô tô điện, chẳng hạn thân xe và khung gầm. Máy có thể đúc các bộ phận này từ nhôm nóng chảy với độ chính xác cao và tốc độ nhanh.

Việc sử dụng Giga Press giúp Tesla giảm chi phí sản xuất và tăng tốc độ sản xuất ô tô điện. Tesla đang sử dụng Giga Press tại các nhà máy ở bang California, Nevada và Texas (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc) và Berlin (thủ đô Đức).

Dưới đây là một số lợi ích của việc sử dụng Giga Press:

- Giảm chi phí sản xuất ô tô điện bằng cách giảm số lượng bộ phận cần thiết và giảm thời gian cần thiết để tạo ra xe.

- Tăng tốc độ tạo ra ô tô điện bằng cách cho phép sản xuất các bộ phận lớn một cách nhanh chóng và chính xác.

- Cải thiện độ bền của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ chính xác cao và ít mối hàn hơn.

Giga Press là một công nghệ mới và đang được phát triển. Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác đang tiếp tục khám phá các cách mới để sử dụng Giga Press để cải thiện hiệu quả sản xuất xe điện.

Ngoài ra, Giga Press còn có thể mang lại một số lợi ích khác, chẳng hạn:

- Giảm thiểu tác động môi trường của sản xuất ô tô điện bằng cách giảm thiểu lượng chất thải và năng lượng tiêu thụ.

- Tăng tính an toàn của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ bền cao hơn.

Như Kyle Chan đã lưu ý, khi lần đầu tiên vào Trung Quốc, Tesla đã hợp tác chặt chẽ với LK Group để phát triển “máy đúc lớn nhất thế giới để sản xuất các bộ phận của ô tô điện”.

Liu Siong Song, người sáng lập LK Group, nói với tờ The New York Times vào năm 2021 rằng việc phát triển Giga Press của Tesla là quá trình lâu dài, mất “hơn 1 năm”. Theo Liu Siong Song, Tesla thường xuyên hỏi liệu "có thể làm điều này hay điều kia không" và đòi hỏi phải thay đổi máy móc của LK Group.

Nói cách khác, đây là sự hợp tác khiến Tesla trở thành người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện. Tuy nhiên, chuyên môn về đúc khuôn của LK Group không còn bị giới hạn ở Tesla sau năm 2022 vì hãng đã đạt được thỏa thuận với 6 công ty Trung Quốc khác để cung cấp máy đúc cho họ, theo trang Insider.

LK Group không tiết lộ danh tính 6 công ty đó. Thế nhưng, Xiaomi có thể đang sản xuất ô tô điện bằng máy móc và kỹ thuật mà Tesla đi tiên phong cùng LK Group ở Trung Quốc. Xiaomi không trả lời câu hỏi về chuyện này.

Đó có thể là một thực tế khó chấp nhận với Elon Musk. Sau nhiều năm ủng hộ Trung Quốc như một nơi thích hợp để kinh doanh, giờ đây tỷ phú 52 tuổi người Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ đang điều chỉnh quy trình sản xuất bằng công nghệ mà Tesla từng có lợi thế.

Trong nhiều năm, các công ty phương Tây luôn lo ngại về việc các hãng Trung Quốc sao chép ý tưởng và sự sáng tạo của họ để phục vụ thị trường nội địa bằng những lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Với Tesla, đây lại là một rủi ro khác khi hãng phải đối mặt với tình trạng doanh số sụt giảm.

Bài liên quan
Truyền thông Mỹ: Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple
CNBC, kênh truyền hình tin tức tài chính hàng đầu Mỹ, nhận định Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xiaomi hưởng lợi khi Apple hủy dự án ô tô điện: Hơn 50% chủ sở hữu SU7 là người dùng Apple