Khi còn trẻ, trong các giờ học, tôi thường nghe các thầy cô dạy rằng “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, có truyền thống lao động cần cù”. Rằng đất nước ta “Có bề dày lịch sử 4.000 năm văn hiến, có bờ biển dài và đẹp, có 54 dân tộc anh em…”. Tôi đã tin sái cổ. Mang những kiến thức đó vào nghề hướng dẫn viên, tôi “được” nhiều du khách bắt bẻ, nhất là người nước ngoài và ngày càng vỡ ra nhiều điều.

Xin đừng nói 'người Việt yêu nước' nếu...

02/03/2018, 06:52

Khi còn trẻ, trong các giờ học, tôi thường nghe các thầy cô dạy rằng “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, có truyền thống lao động cần cù”. Rằng đất nước ta “Có bề dày lịch sử 4.000 năm văn hiến, có bờ biển dài và đẹp, có 54 dân tộc anh em…”. Tôi đã tin sái cổ. Mang những kiến thức đó vào nghề hướng dẫn viên, tôi “được” nhiều du khách bắt bẻ, nhất là người nước ngoài và ngày càng vỡ ra nhiều điều.

Ảnh: minh họa

Nghe tôi huyên thuyên về những cuộc chiến tranh vĩ đại, có bạn Singapore nhỏ nhẹ rằng “Tôi tự hào vì từ ngày lập quốc, đất nước tôi chưa hề biết chiến tranh”. Có mấy nhà nghiên cứu chỉ cho tôi rằng “Lịch sử Việt Nam chưa chắc lâu đời bằng Indonesia và Malaysia. Chiều dài bờ biển Việt Nam thua xa Indonesia và Philippines. Indonesia có 350 dân tộc. Các nước giàu có như Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain… mới độc lập năm 1971; còn Singapore mới lập quốc từ 1965. Tự hào với rừng vàng, biển bạc nên không biết tiết kiệm, làm gì cũng hoang phí. Tự hào đất nước 4.000 năm văn hiến nhưng khi khách nước ngoài hỏi tôi về quốc phục, về cách chào truyền thống của người Việt thì cà lăm và á khẩu.

Nhiều người còn tranh luận với tôi rằng “Trên thế giới này, dân tộc nào cũng yêu nước, cũng phải lao động cần cù, chứ không riêng gì Việt Nam”. Có người còn mỉa mai là “Lao động cần cù sao năng suất của người Việt chỉ bằng 1/19 của Singapore và thua cả Lào?”. Thú thật là ấp úng, chỉ biết khỏa lấp và lảng sang chuyện khác.

Tôi cố chứng minh truyền thống yêu nước của người Việt bằng lịch sử chống ngoại xâm, không bị đồng hóa. Nô lệ cả ngàn năm vẫn có chữ viết và tiếng nói độc đáo riêng, không lẫn vào đâu được. Họ bảo “Như vậy, người Việt chỉ yêu nước khi bị xâm lược, khi cần bảo vệ tổ quốc?”. Bạn tôi là người Pháp, ở Việt Nam hơn chục năm, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt sành hơn người Việt thì hùng hồn khẳng định “Người Việt hiện nay không cho thấy lòng yêu nước. Nếu có cũng không nhiều, so với đám đông”. Tôi dẫn chứng là các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên giới hải đảo. Các thầy thuốc, thầy giáo vùng cao, rồi nhiều gương điển hình lao động, nghiên cứu khoa học, nhiều người tốt quanh mình… Bạn thừa nhận nhưng cứ khăng khăng là số đông người Việt không cho thấy lòng yêu nước. Tôi tức cành hông mà không cãi được.

Bạn đưa ra rất nhiều dẫn chứng. Kể cả những người từng rất yêu nước trong chiến tranh, có khi còn được phong là anh hùng. Nhưng sau, họ chỉ yêu bản thân, gia đình và các nhóm chung lợi ích. Không ít cán bộ sẵn sàng bán rẻ quyền lợi của cộng đồng, thậm chí của đất nước vì những lợi ích tầm thường. Làm việc gì cũng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, sau đó là đồng hội đồng thuyền, còn cộng đồng là thứ yếu, thậm chí không có.

Yêu ai thì luôn muốn làm điều tốt đẹp cho họ, luôn mong muốn mang niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu dù chẳng người yêu nào hoàn hảo. Yêu ai là phải chấp nhận cả những mặt khiếm khuyết và giúp họ thay đổi dần. Đất nước cũng vậy. Tôi không tin những người miệng nói yêu nước mà có những hành vi làm tổn hại đến môi trường, đến cuộc sống cộng đồng, đến xã hội. Yêu nước sao lại làm xấu đất nước bằng vô số hành vi bạc đãi và tổn thương đất nước. Từ việc nhỏ như xả rác bậy, khạc nhổ bừa bãi, vệ sinh tùy tiện, chửi thề bạt mạng cho đến vi phạm luật giao thông, gian dối mọi nơi mọi lúc, chà đạp lên pháp luật, làm hàng gian hàng giả, đầu độc thực phẩm, xâm hại môi trường, buôn lậu trộm cướp…

Hãy thôi tự sướng, hãy nhìn thẳng vào sự thật và chứng minh lòng yêu nước bằng hành động. Yêu nước phải được thể hiện bằng hành vi cụ thể và thiết thực. Phải đoạn tuyệt với kiểu yêu nước chỉ bằng khẩu hiệu. Bé thì làm việc nhỏ, lớn thì làm việc to. Từ trẻ đến già, ai cũng có quyền và có nghĩa vụ yêu nước. Yêu nước cũng không là đặc quyền của cá nhân hay tập thể nào cả.

Nếu chúng ta không thay đổi được những hành vi xấu xí đang từng ngày từng giờ làm tổn hại hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, xin đừng nói người Việt yêu nước.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin đừng nói 'người Việt yêu nước' nếu...