Một số cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nhiều ngày qua. Điều này dẫn đến hàng loạt nông sản (trong đó có xoài Đài Loan) ở An Giang giảm giá mạnh khiến nông dân sắp bỏ đất...

Xoài Đài Loan rớt giá do Trung Quốc hạn chế nhập, nông dân trồng xoài ở miền Tây sắp bỏ đất

Tô Văn | 21/02/2022, 15:08

Một số cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nhiều ngày qua. Điều này dẫn đến hàng loạt nông sản (trong đó có xoài Đài Loan) ở An Giang giảm giá mạnh khiến nông dân sắp bỏ đất...

Nông dân sắp bỏ đất do giá xoài xuống thấp

Ông Nguyễn Văn Hùm (64 tuổi, ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – hiện đang canh tác 10 công đất trồng xoài Đài Loan). Ông Hùm than thở, hiện nay tình hình bán xoài chưa được hay bỏ tại vườn thì không đến nổi. Tuy nhiên giá rẻ, giá thấp thì đang có xu hướng cao khiến những nông dân trồng xoài lo lắng.

“Năm nay dịch bệnh nên sản lượng thua xa năm rồi lại gặp mất giá. Hiện tại giá thị trường xoài Đài Loan loại 1 có giá 8.000 đồng/kg. Loại 2 có giá 4.000 đồng/kg. Loại 3 có giá 500 đồng/kg (có thể không thu mua). Vườn tôi thương lái vào mua lai rai lúc trước tết, nhưng đến thời điểm này giá xuống đột biến nên chưa thấy thương lái vào thu mua”, ông Hùm nói.

6-xoai-dai-loan.jpg
Ông Hùm cho biết, hiện nay giá xoài Đài Loan rất bấp bênh không ổn định do việc cửa khẩu Lạng Sơn không mở cửa, chỉ có tiêu thụ nội địa. Vì vậy, không riêng vườn của gia đình ông mà tất cả các vườn khác của người dân đều lỗ nặng - Ảnh: Tô Văn

Ông Hùm cho biết thêm, giá xoài Đài Loan rất bấp bênh không ổn định do việc cửa khẩu ở Lạng Sơn không mở cửa, chỉ có tiêu thụ nội địa. Vì vậy, không riêng vườn của gia đình ông mà tất cả các vườn khác của người dân đều lỗ nặng.

“Giá xoài đã giảm sâu, năng suất thấp nhưng thuốc, phân bón lại cao, khi nông dân bán các sản phẩm ra thì đa phần chịu lỗ. Kiểu này chắc vài năm nữa tôi đi Bình Dương bán nước tương hoặc bỏ vườn”, ông Hùm than thở.

5-xoai-dai-loan.jpg
Hiện nông dân xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang ngồi trên đống lửa khi giá xoài giảm mạnh - Ảnh: Tô Văn

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Xuân (63 tuổi, ngụ ấp Tấn Quế, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – hiện đang canh tác 20 công đất trồng xoài Đài Loan) cho biết, tại 3 xã cù lao này hiện nay đất đã được chuyển đổi sang trồng xoài.

“Vườn xoài tôi đang vào mùa thu hoạch nhưng gọi điện thoại mãi mà chủ vựa không đến mua. Tôi gọi nhiều chủ vựa thì họ bảo do cửa khẩu Lạng Sơn đang ùn ứ nên xuất đi Trung Quốc không được. Vì vậy, họ không đến hái xoài. Khoảng vài tấn xoài vẫn nằm chờ trên cây”, ông Xuân nói.

Ông Xuân cho biết thêm, với tình hình này nông dân làm vườn thì lỗ, kêu bán đất cũng không có người mua.

“Nhà nước phải có cách giải quyết như thế nào để bảo đảm quyền lợi của nông dân nhiều hơn hoặc bình ổn giá và hạ giá phân thuốc để nông dân vừa trúng mùa được giá cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, phải tìm đầu ra cho trái xoài Đài Loan của 3 xã cù lao này nói chung và ở những địa phương khác. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, việc xoài rớt giá thê thảm mà không có biện pháp chắc người làm vườn như chúng tôi có thể sắp bỏ đất”, ông Xuân bày tỏ.

4-xoai-dai-loan.jpg
Mấy năm về trước giá xoài cao, dân cù lao cất nhà tường nhờ xoài, mua xe cũng xoài. Còn bây giờ bán xe cũng xoài, bán đất cũng xoài. Thật là nghịch lý - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Xuân, mấy năm trước giá xoài cao, dân cù lao cất nhà tường cũng nhờ xoài, mua xe cũng xoài. Còn bây giờ, bán xe cũng xoài, bán đất cũng xoài. Thật là nghịch lý.

“Chúng tôi mong mỏi nhà nước đừng hở chút giải cứu hãy tìm những gì căn cơ nhất để giúp người nông dân ổn định. Việc bắt nông dân vào VietGap với giá thu mua 10.000 đồng/kg, xoài nông dân không theo VietGap cũng 10.000 đồng/kg. Vậy vào VietGap có ý nghĩa gì? Trong khi vào đó, nông dân bị khống chế các loại thuốc không được sử dụng, những loại thuốc nhà nước cấm thì không được xịt trên cây xoài mà buộc phải mua thuốc theo quy định của họ với giá thành khác. Vì vậy nông dân không mặn mà vào chỗ này”, ông Xuân tâm tình.

3-xoai-dai-loan.jpg
Những nông dân trồng xoài tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới trò chuyện với phóng viên Một Thế Giới - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Văn Vũ (chủ vựa xoài An Giang và Đồng Tháp) cho biết, hiện vựa thu mua giá xoài tại vườn với loại 1 có giá 8.000-9.000 đồng/kg, loại 2 có giá 4.000 đồng/kg, loại 3 có giá 500-1.000 đồng/kg.

“Việc giá xoài giảm mạnh do các nông sản bị kẹt ở các cửa khẩu Lạng Sơn quá nhiều. Nhiều contanier mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối tại cửa khẩu này được phía Trung Quốc cho qua nhỏ giọt. Ví dụ: 100 xe họ chỉ cho qua 20 xe nên xảy ra việc ùn ứ, chí phí vận chuyển sẽ đội lên cao (nhà xe do nằm lâu thì buộc phải tăng giá - PV). Ngoài ra, trái cây không phải như lúa gạo để lâu dài, buộc lòng chúng tôi phải quay về bán nội địa. Khi bán nội địa thì giá sẽ rẻ nên vựa sẽ lỗ thê thảm”, ông Vũ chia sẻ.

Cũng theo ông Vũ, đối với mặt hàng xoài Đài Loan giá đang giảm sâu nên nhiều vựa không dám thu mua mạnh (chỉ thu mua nhỏ giọt, chờ tình hình -PV).

Ông Nguyễn Tấn Em – Chủ tịch Hội nông dân xã Tấn Mỹ cho biết, trên địa bàn xã Tấn Mỹ hiện nay một số bà con đang thu hoạch, một số cũng đang có trái chuẩn bị bán nhưng khá khó khăn do giá xoài giảm mạnh.

“Về cấp độ địa phương chỉ mong mỏi chính quyền cấp trên có giải pháp đầu ra cho trái xoài Đài Loan hiện nay”, ông Em nói.

Được biết diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện Chợ Mới là 7.787,61 ha, tăng 388,61 ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng xoài toàn huyện 6.439,73 ha, chiếm 82,69% diện tích cây ăn trái toàn huyện, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 704,04 ha.

Để thông tin hai chiều khách quan chính xác, phóng viên Một Thế Giới liên hệ với ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh An Giang thì được ông Lâm yêu cầu liên hệ với ông Nguyễn Văn Hiền – Chi cục trưởng Chi cục TT-BV-TV sẽ liên lạc và thông tin theo câu hỏi phóng viên đã xin gửi cho ông Lâm trước đó. Tuy nhiên vào sáng 21.2, phóng viên liên hệ qua điện thoại thì ông Hiền bấm máy bận.

Tìm giải pháp căn cơ

Theo tìm hiểu của PV, việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn (trong đó có mặt hàng xoài Đài Loan-PV) làm giảm giá thành nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với chính sách Zero COVID của Trung Quốc được áp dụng từ ngày 1.1.2022. Vì vậy, Trung Quốc sẽ khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

“Nhưng thật sự nguyên nhân gốc rễ là do những hạn chế, yếu kém của nền sản xuất hàng hóa manh mún, chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics, sản xuất chưa gắn với chế biến, xúc tiến thương mại còn nhiểu hạn chế. Tuy nhiên, phần lớn trái cây xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc phụ thuộc các chợ, không hợp đồng kinh tế hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại; khối lượng hàng hóa ít, giá trị thấp; thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng; giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở, rất manh mún…

Nên trước những thay đổi chính sách mới, đòi hỏi khắc khe từ phía Trung Quốc như: nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, đảm bảo an toàn thực phẩm, v.v… đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, hoa quả Việt Nam nhập vào Trung Quốc đều buộc phải kiểm dịch 100% tại Hải quan Trung Quốc.

Đây chính là rào cản lớn nhất đối với việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này thì các doanh nghiệp chậm thay đổi, thích nghi với các yêu cầu mới dẫn đến tình trạng ùn ứ”, thạc sĩ B.N, một chuyên gia trong ngành phân tích.

1-xoai-dai-loan-rot.jpg
Thị trường Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính" như trước đây - Ảnh: Tô Văn

Thạc sĩ B.N phân tích thêm, rõ ràng chúng ta có thể thấy thị trường Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể không còn là thị trường “dễ tính” như trước đây nữa. Vì vậy, ngành nông nghiệp cũng cần chuyên nghiệp hơn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, mua bán theo hợp đồng, gia tăng xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản từ khâu bảo quản như: kho bảo quản, tạm trữ đến khâu chế biến các thành phẩm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

“Mục đích việc đầu tư vào khâu chế biến sâu là để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp khó thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản. Việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhiều thị trường mới nhằm hạn chế rủi ro tránh phụ thuộc vào một thị trường chủ yếu. Bên cạnh đó, chúng ta phải thiết lập các mối quan hệ khách hàng lâu dài với các đối tác bên kia biên giới.

Cần có những doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh, nhiều kinh nghiệm kinh doanh quốc tế có thể đại diện đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm. Lúc này, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng.

Các doanh nghiệp này có thể tối ưu chi phí bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng, dịch vụ logistic hoàn chỉnh, kết hợp phương tiện vận chuyển tối ưu như đường biển, đường sắt, v.v…đa dạng hóa phương thức vận chuyển bài bản và chuyên nghiệp hơn”, thạc sĩ B.N nhận định.

Cũng theo thạc sĩ B.N, còn một nguyên nhân vẫn còn nhiều bất cập như việc quản lý mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ví dụ: các lô hàng xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, châu Âu... thì khi đăng ký kiểm dịch, cơ quan chức năng xác nhận mã vùng trồng và mã nhà đóng gói đó có đúng hay không? Nếu đúng mã số vùng trồng, mã số của nhà đóng gói đó thì lô hàng mới được xuất khẩu, còn không sẽ bị trả lại.

“Tuy nhiên, đối với thị trường Trung Quốc thì không xác nhận chủ của mã số vùng trồng, nhà đóng gói mà chỉ đăng ký và đưa hàng sang nên ai cũng đi được. Dẫn đến tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và bị Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu. Nếu nếu tình trạng mạo danh diễn ra nhiều, thường xuyên mà không có sự can thiệp quản lý của cơ quan chức năng thì phía Trung Quốc có thể sẽ cấm nhập, gây nên nhiều hệ lụy nghiệm trọng. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể, chế tài nặng về việc này”, thạc sĩ B.N nhận định.

2-xoai-dai-loan.jpg
Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhiều thị trường mới nhằm hạn chế rủi ro tránh phụ thuộc vào một thị trường chủ yếu - Ảnh: Tô Văn

Trước đó, vào ngày 11.11.2021, UBND tỉnh An Giang, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công thương, Bộ NN-PT-NT đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã tăng cường nhiều chính sách, quy định, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật về nhập khẩu hàng hóa; đóng cửa đường tiểu ngạch và chuyển sang xuất, nhập khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, Tổng cục hải quan Trung Quốc đã đưa ra các lệnh 248 và lệnh 249 quy định chặt chẽ về quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, yêu cầu sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu trực tiếp và thực phẩm chế biến phải được truy xuất rõ nguồn gốc; ghi nhãn cụ thể sản phẩm để giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến, vận chuyển, nhập khẩu.

Cũng tại tọa đàm, các doanh nghiệp, địa phương đã được cung cấp thông tin tổng quan về chính sách, một số quy định mới và nhu cầu của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản để cùng trao đổi, kiến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này.

Được biết, tổng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc khoảng 2.500 tỉ USD/năm, trong đó, nhu cầu đối với sản phẩm nông, thủy sản khoảng 180 tỉ USD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
một giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xoài Đài Loan rớt giá do Trung Quốc hạn chế nhập, nông dân trồng xoài ở miền Tây sắp bỏ đất