Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết việc xử lý rơm rạ ở Đồng Tháp có nhiều tiến bộ. Nhiều nông dân đã chuyển sang canh tác lúa theo hình thức tuần hoàn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cũng theo ông Lê Quốc Điền, ở Đồng Tháp hiện nay rơm rạ không còn là đồ bỏ nữa. Thu hoạch lúa đông xuân, có người thu mua rơm như một món hàng. Rơm trở thành mặt hàng mua bán trên thị trường nông nghiệp. Phân hữu cơ làm từ rơm rạ được xử lý qua các chất sinh học được dùng để bón ruộng, dùng cho hơn 40.000ha vườn và hơn 2.800ha đất trồng hoa cho “Vương quốc hoa Sa Đéc”. Sắp tới đây, Đồng Tháp cùng các tỉnh ĐBSCL tham gia Chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao nên việc giảm phát thải nhà kính từ rơm rạ được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.
ThS Nguyễn Phước Tuyên (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hiện nay ở Đồng Tháp mùa vụ đông xuân rất ít người đốt rơm, mùa hè thu cũng đã giảm đốt rơm 70 - 80%. Đây là sự tiến bộ vượt bậc trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Nông dân dùng nhiều biện pháp khoa học khác nhau để tận dụng rơm rạ theo hình thức “kinh tế tuần hoàn”. Trong đó, chế phẩm sinh học Trichoderma được nông dân Đồng Tháp sử dụng rất phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Kết - nông dân ở ấp 3, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hai năm nay gia đình tôi tham gia mô hình xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi thường đốt rơm ngay tại ruộng. Việc này khiến sau khi cấy, cây lúa thường bị vàng lá, rễ thâm đen, sinh trưởng chậm. Từ vụ hè thu 2022, được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch, cây lúa đã phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe. Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển mạnh, tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng từ đất và hạn chế ngã đổ khi thời tiết xấu. Nhờ vậy, lúa cho năng suất đạt 9 - 10 tấn/ha, đồng thời giảm được 40% chi phí sản xuất. Canh tác theo hướng hữu cơ, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu nên khi thu hoạch lúa được doanh nghiệp ưu ái hơn trong thu mua chế biến gạo xuất khẩu”.
Ông Chung Văn Liệu, nông dân xã Hòa Bình (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) làm hơn 6ha đất lúa. Trong 3 năm nay ông bắt đầu việc dùng rơm rạ cho mục đích kinh tế tuần hoàn. Xong vụ lúa, ông Liệu dùng rơm để chất nấm rơm. Sau chất nấm, ông tiếp tục dùng chế phẩm sinh học biến chất thải này thành phân hữu cơ bón lúa. Rạ cũng được ông dùng chế phẩm sinh học Trichoderma phun từ 3 - 5 ngày, sau đó cày xới để lấp cho mục thành phân bón cho vụ sau.
Cũng theo ông Liệu, bằng cách sử dụng Trichoderma phân hủy rơm rạ, biến chúng thành phân bón cho cây lúa, nên mùa lúa sau giảm được lượng phân bón. Trước đây bón 1.000m2 lúa trung bình 50kg phân, gồm đạm, lân, kali, phân tổng hợp 16-16-8... thì nay do có phân hữu cơ trong đất từ rơm rạ phân hủy nên phân hóa học giảm 15 - 20kg. Giảm sử dụng phân hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng sử dụng phân hữu cơ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đó là những lợi thế khi canh tác tuần hoàn theo cách này.
Theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5 - 8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic, 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.
ThS Nguyễn Phước Tuyên cho rằng một hecta lúa cho ra khoảng 8-9 tấn thóc, lượng rơm rạ cũng tương đương với 8 - 9 tấn. Số rơm rạ này nếu biết "chế biến theo kinh tế tuần hoàn" thì nông dân có lượng phân hữu cơ trị giá khoảng 8 - 9 triệu đồng. Như vậy nếu đốt rơm rạ là nông dân tự đốt tiền của mình. Việc này vừa lãng phí, vừa gây ra phát thải khí nhà kính.
Ông Bùi Hữu Soi - Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thực tế cho thấy việc xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi giúp nông dân bỏ được tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn dinh dưỡng trong rơm. Đặc biệt điều này giảm chi phí mua phân bón và giảm ít nhất 2 lần phun thuốc trừ bệnh đạo ôn. Trong định hướng tới, liên hiệp sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động nông dân trồng lúa áp dụng kỹ thuật canh tác xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân hữu cơ Con voi. Đồng thời, đơn vị sẽ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh 2kg nấm Trichodecma/ha nhằm giúp nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ theo khoa học”.