19 bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên bị tòa đưa ra xét xử từ ngày 12.4, dự kiến kéo dài 10 ngày.

Xử vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên: Luật sư đề nghị tòa triệu tập ông Hoàng Trung Hải

Nhã Thanh | 12/04/2021, 10:30

19 bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên bị tòa đưa ra xét xử từ ngày 12.4, dự kiến kéo dài 10 ngày.

Luật sư đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải

Ngày 12.4, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Đây là một trong số 5 vụ án được Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021. Dự kiến phiên tòa xét xử diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 12 - 22.4), xét xử tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, Chủ nhật.

dan-cuu-lanh-dao-cong-ty-gang-thep-thai-nguyen-hau-toa.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: T.A

Trong vụ án này có tổng số 19 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 14 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong phiên tòa, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được triệu tập với tư cách là nguyên đơn dân sự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) là phía có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đại diện Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) cũng được HĐXX triệu tập tới tòa…

Trong phần thủ tục, thư ký tòa báo cáo bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam) vắng mặt. HĐXX cho biết bị cáo Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do đã có lời khai chi tiết tại cơ quan điều tra và cam kết không thay đổi lời khai; ngoài ra, viết trong đơn xin xét xử vắng mặt, bị cáo Hùng còn cho biết hiện bị cáo đang mắc nhiều bệnh nan y, sức khỏe yếu. Trong đơn, bị cáo Đậu Văn Hùng cam kết sẽ thực hiện theo đúng phán quyết của tòa án.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng đề nghị HĐXX triệu tập các giám định viên của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, giám định viên của Bộ Xây dựng để làm rõ một số nội dung giám định. Ngoài ra, một luật sư khác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, người đã ký duyệt nhiều văn bản quan trọng liên quan đến vụ án này.

Liên quan đến những vấn đề này, đại diện VKS cho biết tòa án đã triệu tập hợp lệ những người liên quan, VKS cũng đã nhận được đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Hùng. Vì đây là vụ án được xét xử trong nhiều ngày nên nếu cần thiết, HĐXX có thể tiếp tục triệu tập những người mà luật sư đề nghị trong thời gian xét xử.

Trước những đề nghị của luật sư và quan điểm của VKS, sau thời gian hội ý, HĐXX nhận định việc triệu tập giám định viên là cần thiết nên HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập. Đối với đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải, theo HĐXX, trong quá trình điều tra, CQĐT đã thu thập đầy đủ tài liệu nên trong quá trình xét xử, nếu cần thiết HĐXX sẽ công bố.

dan-cuu-lanh-dao-cong-ty-gang-thep-thai-nguyen-hau-toa-anh-2.jpg
HĐXX TAND TP.Hà Nội tiến hành xét xử vụ án - Ảnh chụp qua màn hình: T.A

Dự án dừng thi công, thất thoát hơn 830 tỉ đồng

Theo cáo trạng, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỉ đồng).

Năm 2012, bị cáo Trần Văn Khâm (người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO) ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 4.200 tỉ đồng. Từ đó, năm 2013, VNS xin ý kiến Bộ Công Thương và bộ này có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận.

Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỉ đồng).

Bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS đề nghị cho giải quyết đặc cách phạm vi được điều chỉnh về giá thiết bị và các chi phí khác với dự án. Bị cáo Mừng không chỉ đạo áp dụng điều khoản để dừng hợp đồng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, thu hồi tiền tạm ứng mà quyết tâm thực hiện dự án.

Viện KSND tối cao xác định hành vi của bị cáo Trần Trọng Mừng đã khiến dự án phải dừng thi công, gây thất thoát, lãng phí trên 830 tỉ đồng. Bị cáo Mai Văn Tinh bị VKS cáo buộc có các hành vi sai phạm khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư vào dự án, không ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải dừng thi công gây thất thoát trên 830 tỉ đồng…

Bài liên quan
Vụ Gang thép Thái Nguyên: Ngày mai 19 bị cáo sẽ hầu tòa
Theo kế hoạch, ngày mai 12.4, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên: Luật sư đề nghị tòa triệu tập ông Hoàng Trung Hải