Đến chiều 22.5, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 2 ổ dịch tả heo Châu Phi với số lượng gần 100 con. Còn An Giang và Hậu Giang cũng phát hiện một số ổ dịch.
Chiều 22.5, ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long xác nhận, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ dịch tả heo Châu Phi với số lượng ban đầu do người dân cung cấp là khoảng trên 90 con. Cả 2 ổ dịch được phát hiện đều nằm trên địa bàn TP.Vĩnh Long.
Sáng 22.5, tại Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh đã tổ chức buổi họp khẩn cấp về chống dịch tả heo châu Phi. Ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo khẩn các ngành chức năng cần khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác nhằm chuẩn bị ứng phó tại các địa phương trên toàn tỉnh; phối hợp hướng dẫn việc chôn lấp, tiêu hủy heo khi mắc bệnh,..
Đồng thời xử lý các trường hợp ô nhiễm sau khi chôn lấp; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc trên thị trường; thành lập các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào vùng dịch; khuyến cáo người tiêu dùng bình tĩnh, không tẩy chay thịt heo để hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi…
Theo báo cáo nhanh từ Chi cục Thú y tỉnh, ngày 20.5, đã phát hiện ổ dịch đầu tiên tại cơ sở chăn nuôi của ông P.N.C. (P.8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), tổng đàn 22 con: trong đó 9 heo thịt, 13 heo rừng. Toàn bộ đàn heo được tiêu hủy ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính của Chi cục Thú y vùng VII.
Đến sáng 22.5, cũng tại TP.Vĩnh Long phát hiện thêm ổ dịch thứ 2, tại P.5 với số lượng khoảng gần 70 con. Đến nay, số lượng heo tại các ổ dịch đã được xử lý, tiêu hủy hoàn toàn.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Thanh Tùng, cho hay, theo nắm tình hình tại các địa phương xuất hiện ổ dịch bước đầu cho thấy, nguyên nhân gây nên dịch như trên là do người chăn nuôi đã sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín.
Khử trùng tại nơi phát hiện ổ dịch - Ảnh: Trung Tính
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến và trùng khớp với nhận định của Cục Thú y nghiên cứu nguyên nhân phát sinh dịch tại các tỉnh phía Bắc (34% là do sử dụng thức ăn thừa).
Trong khi đó trên địa bàn ở 2 H.Vũng Liêm và Tam Bình có nhiều cơ sở thu gom heo, nhập heo và xuất đi các nơi khác. Các tỉnh Nam Bộ bắt đầu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh và gây bệnh. Những lý do trên có thể nhận định trong thời gian tới bệnh dịch tả heo châu Phi có khả năng phát sinh thêm ở nhiều nơi và lây lan,..
Cũng trong ngày 22.5, lãnh đạo UBND TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho biết, đã phát hiện ổ dịch tả heo Châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Đinh Thanh H. (ngụ khóm Hưng Thạnh, P.Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Trước đó, vào ngày 18-19.5, đàn heo của gia đình ông H. bỏ ăn, nên báo cho cán bộ thú y xuống giám sát dịch bệnh để được hướng dẫn.
Đến sáng 21.5, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu máu heo bệnh gửi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với bệnh dịch tả Châu Phi. Thời điểm từ 18 giờ 30 phút đến gần 12 giờ khuya cùng ngày, địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiêu hủy 27 con heo (6 con heo cai sữa, 14 con heo lứa và 7 con heo thịt) bị mắc bệnh dịch.
“Chúng tôi khẩn trương chỉ đạo các địa phương lập chốt chặn 2 đầu của ổ dịch, khống chế không cho lượng heo ra vào vùng dịch, không để phát tán dịch, điều tra các hộ nuôi heo trong vùng để phòng ngừa, tránh xảy ra tình trạng lây lan”.
Nhắc nhở các tổ chức, đơn vị lực lượng rà soát, vệ sinh tiêu độc, khử trùng tất cả các đàn heo trong phạm vi bán kính 3 km nơi giáp ranh vùng dịch gồm các phường: Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa và xã Phú Thuận (H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) theo dõi, giám sát các đàn heo của những hộ dân để lấy mẫu nếu nghi ngờ”, lãnh đạo UBND TP.Long Xuyên thông tin.
Còn tại Hậu Giang, ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy, cho biết nơi đây đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiêu hủy 1.221 con lợn của hộ nuôi tại xã Hiệp Lợi, do dịch tả lợn Châu Phi. 2 tháng qua, TX.Ngã Bảy là địa phương thứ 4, sau các H.Vị Thủy, Châu Thành và Châu Thành A phát hiện có dịch tả lợn châu Phi.
3 ngày trước, ông Phạm Thanh T. - chủ trang trại ở ấp Láng Sen (xã Hiệp Lợi), phát hiện có 88 con lợn chết bất thường. Gia đình đã báo chính quyền địa phương và ngành thú y kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, đàn lợn nuôi dương tính dịch tả lợn châu Phi nên ngành chức năng tiêu hủy 1.221 con. Nhà chức trách đã phun xịt tiêu độc khử trùng phạm vi 3km xung quanh khu vực phát hiện ổ dịch.
Nhóm PV