Thủ đoạn chung của kẻ lừa đảo là sẽ trực tiếp gọi điện đến số máy điện thoại di động cá nhân, giả danh là cán bộ công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu…
Khoa học - công nghệ

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mời cài đặt 12 điểm giấy phép lái xe

Nhật Anh 21:07 10/02/2025

Thủ đoạn chung của kẻ lừa đảo là sẽ trực tiếp gọi điện đến số máy điện thoại di động cá nhân, giả danh là cán bộ công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu…

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt dịch vụ công để nhận điểm giấy phép lái xe.

Cụ thể, ngày 5.1.2024, chị L. (ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) được một người phụ nữ gọi điện thoại đến tự xưng là cán bộ công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm 2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng kỹ thuật gọi điện hướng dẫn cài đặt để tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.

Sau khi người phụ nữ tắt máy khoảng 15 phút, có cuộc gọi đến điện thoại của chị L., người gọi hướng dẫn cho chị cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới.

Mặc dù chị L. cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng chúng trấn an chị L. rằng nếu lừa đảo thì sẽ yêu cầu cung cấp thông tin nhưng chúng chỉ hướng dẫn chị L. cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt.

Tin lời, chị L. đã làm theo, chúng đã yêu cầu chị L. nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của kẻ xấu, tài khoản của chị L. đã bị trừ mất số tiền gần 8 triệu đồng.

2_min_10_04e16192ab.jpg
Cục ATTT cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mời cài đặt 12 điểm GPLX - Ảnh: Cục ATTT

Cơ quan chức năng cho biết thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước tuy không còn mới nhưng chiêu trò của chúng lại ngày một tinh vi.

Thủ đoạn chung của chúng là sẽ trực tiếp gọi điện đến số máy điện thoại di động cá nhân, giả danh là cán bộ công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu về dân cư của người dân.

Chúng thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu “đến trụ sở công an” và làm việc, trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.

Cơ quan chức năng nhấn mạnh: "Điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có giấy phép lái xe, cơ quan công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm".

Người dân cần đặc biệt lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính người lạ. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Lừa đảo mua sơn trên mạng xã hội

Theo Cục An toàn thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Trí Thành (SN 1988, trú tại thôn An Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành sử dụng nhiều tài khoản Facebook tham gia các hội nhóm để rao bán sơn, vỏ thùng sơn. Sau khi khách hàng chốt đơn, chuyển khoản mua hàng xong, Thành cũng chặn luôn thông tin liên lạc và chiếm đoạt số tiền nhận được.

Bằng thủ đoạn trên, Phạm Trí Thành đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước. Bước đầu xác định số tiền Thành chiếm đoạt trên 60 triệu đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến. Ngoài ra, người dân cần xác minh danh tính người lạ, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng.

Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.

Bài liên quan
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo đặt phòng khách sạn trong cao điểm du xuân
Cơ quan chức năng cho biết đầu năm là một cơ hội tiếp diễn những chiêu trò lừa đảo về du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Trương Gia Bình: Cần ‘bình dân AI vụ', có thể đưa AI vào từ lớp 1
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, vào những năm khó khăn nhất, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". Bây giờ là cơ hội đến, cần "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", hay nói cách khác là “bình dân AI vụ”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mời cài đặt 12 điểm giấy phép lái xe