Lễ tưởng niệm đồng bào tử nạn do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM đã diễn ra trong trang trọng thiêng liêng và xúc động, hàng trăm ngàn người đã cùng tắt đèn, thắp nến cầu nguyện tưởng niệm những người đã khuất.
Tối 19.11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Đúng vào lúc 20 giờ buổi lễ chính thức diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và công viên Thống Nhất, (Hà Nội) thông qua cầu truyền hình. Cùng thời điểm lễ tưởng niệm cũng được trực tuyến tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên TP.HCM. Chương trình cũng phát sóng trực tiếp trên sóng VTV, HTV, các kênh truyền hình địa phương để đồng bào cả nước cùng cầu nguyện, tưởng niệm những người đã qua đời vì đại dịch COVID-19.
Suốt thời gian diễn ra buổi lễ, không khí xúc động đã bao trùm lên khắp thành phố khi các hồi chuông tại các cơ sở tôn giáo ngân lên, những bóng đèn điện được tắt đi để thay bằng những ngọn nến lung linh. Các đại biểu cùng người dân thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm. Tiếp đó trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, Q.3) và trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, Q.4) người dân thành phố đã diễn ra nghi lễ thả hoa đăng tưởng nhớ đồng bào cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN chia sẻ: “Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí”.
“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăn trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN chia sẻ với nỗi đau chung của các gia đình, đồng thời cho biết đại dịch đã khiến hơn 2.600 trẻ em lâm vào cảnh mồ côi, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra ác liệt, nguy hiểm nên nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội. “Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ.
Trong thời điểm diễn ra lễ tưởng niệm, tại các quận huyện trên địa bàn TP.HCM các hoạt động của người dân gần như dừng lại lắng đọng để hướng về những người không may qua đời vì COVID-19. TP.HCM là địa phương chịu những tổn thất nặng nề vì đại dịch. Theo thống kê của Sở Y Tế TP.HCM, làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến cho 17.263 tử vong, trong đó, nữ chiếm 58,5%, nam 41,5%. Đặc biệt trong số những nạn nhân COVID-19 có có 38 trẻ em và 62 thai phụ. Vì vậy đối với người dân thành phố lễ tưởng niệm như là một khoảng lặng để xoa dịu những đau thương mất mát tổn thất mà họ đã gánh chịu, và đó cũng là động lực để người dân thành phố vượt qua khó khăn hướng xây dựng lại cuộc sống trong bình thường mới.
Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, chị Thu Hường ở quận Tân Bình xúc động nói: Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19 là dịp để mọi người tưởng niệm, tri ân, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đã xả thân, thậm chí hy sinh tính mạng trong công việc cứu người khi đại dịch”.
"Lễ tưởng niệm là sự chia sẻ nỗi đau của Nhà nước, MTTQ trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Những người ở lại, chúng ta phải sống cho cả phần của những người đã mất và đã ra đi vĩnh viễn”, chia sẻ của anh Xuân Hùng trú tại quận 8.
Dù tình hình bệnh dịch ở TP.HCM cơ bản bản đã được kiểm soát nhờ vào việc triển khai phủ vắc xin (mũi 1 và 2) cho gần như toàn bộ người dân. Một tín hiệu đáng mừng nữa là hơn một tháng qua số người nhiễm COVID-19 và số ca tử vong đã giảm rất sâu. Tuy nhiên từ bài học về những tổn thất mất mát vừa qua, chính quyền và người dân không hề lơ là mất cảnh giác. Các biện pháp phòng tránh dịch vẫn phải được triển khai nghiêm túc khoa học và đúng hướng để tránh những tổn thất cho nhân dân bởi bệnh dịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ tử vong vì COVID-19 là hoạt động ý nghĩa đã nhận được sự ủng hộ lớn từ của nhân dân trên cả nước, đặc biệt là người dân TP.HCM. Buổi lễ còn mang ý nghĩa tâm linh trong văn hóa của người Việt. Qua đó, góp phần lan tỏa những yêu thương, an ủi động viên xoa dịu nỗi đau của những người có người thân qua đời vì COVID-19.
Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm đồng bào tử nạn vì COVID-19 diễn ra ở Hội trường Thống Nhất (TP.HCM):