Trong lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, học sinh miền Nam trên miền Bắc là một cộng đồng đặc biệt, nhiều nét đặc trưng, tuy nhiên suốt những năm qua chưa có công trình nào tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng về lực lượng “hạt giống đỏ” này.

Xúc động những trang sách về học sinh miền Nam trên đất Bắc

Nguyễn Thông | 16/10/2016, 06:10

Trong lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, học sinh miền Nam trên miền Bắc là một cộng đồng đặc biệt, nhiều nét đặc trưng, tuy nhiên suốt những năm qua chưa có công trình nào tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng về lực lượng “hạt giống đỏ” này.

Đối với tôi, thì nhà nghiên cứuCao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) như một tượng đài, rất đáng kính nể, dù y đồng niên, bạn học. Tôi chẳng thể nào hiểu nổi trong cái thân xác gầy nhom, quá ít tế bào, quắt queo như vị La hán chùa Tây Phương kia, lấy đâu ra chỗ để chứa lượng tri thức kim cổ khủng khiếp, hoành tráng y đã thâu nạp. Cái kho ấy, tôi tưởng tượng, nếu đem đổ tãi ra thì phải dùng biết bao nhiêu bồ mủng thúng sọt nong nia mới đựng hết. Vậy mà, cái con người kênh kiệu, khủng khỉnh đỉnh cao của tôi ấy, đang nửa đêm lại bốc máy gọi mà thủ thỉ rằng mày ạ, tao và chúng bạn học sinh miền Nam vừa ra cuốn sách này, như một cách trả ơn trả nợ đời, mày đọc và viết vài chữ nhé.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ lần đầu tiên biết đến cụm từ “học sinh miền Nam” từ một bài tập đọc lớp 2, bài thơ Chú đi tuần. Thơ bộc lộ tình cảm, tâm trạng của một anh bộ đội đi tuần đêm, thật đằm thắm, tha thiết: “Chú đi qua cổng trường/Các cháu miền Nam yêu mến/Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/Các cháu ơi, giấc ngủ có ngon không?”.

Rồi không chỉ qua thơ văn, sách vở, lúc lớn lên bọn trẻ miền Bắc chúng tôi đã cùng chơi, cùng sinh hoạt, học tập với các bạn học sinh miền Nam, nhất là khi những trường học sinh miền Nam số 8, 14, 22 ở nội đô Hải Phòng quê tôi sơ tán về nông thôn tránh bom tàu bay Mỹ. Và về sau, một trong những người bạn miền Nam mà tôi gắn bó là Cao Tự Thanh, người chủ biên tập sách dày dặn này, một công trình tập hợp, nghiên cứu công phu đầu tiên về “lực lượng đặc biệt” - học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Với cái tên giản dịHọc sinh miền Nam – Tư liệu và kỷ niệm(NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 10.2016), cuốn sách không chỉ trình ra những văn bản, tư liệu rất quý, cực kỳ giá trị mà cả những ký ức ngồn ngộn tái hiện mảnh lịch sử riêng về “lực lượng đặc biệt” trong suốt chặng đường dài cuộc chiến chống Mỹ, với nhân vật chính là những đứa trẻ miền Nam, gốc gác miền Nam sinh sống, học tập trên đất Bắc. Biết bao nhiêu buồn vui, nhớ nhung, đau khổ, xa cách, tâm trạng, việc làm, đủ cả cái hay cái dở của hàng vạn trẻ thơ xa quê hương, xa người thân, xa gia đình, cứ tuôn chảy cuồn cuộn trên từng trang giấy. Nhiều nỗi buồn bã, sự cô đơn lúc tuổi còn xanh tưởng đã được chôn chặt trong lòng do hoàn cảnh cuộc chiến và hậu chiến, giờ mới bộc lộ khi tóc đã ngả tuyết sương. Nhiều bi kịch xã hội, những cô độc, bế tắc, nổi loạn, phá phách, thậm chí có cả những vụ án gây tai tiếng mà chủ thể, nhân vật chính là học sinh miền Nam cũng được hé dần. Nhưng trên hết cả, đáng quý đáng trọng vô ngần, là sự dấn thân, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh, thiếu thốn tình cảm gia đình để vì sự nghiệp cách mạng, là tuổi thơ trong trắng ngọt ngào lẫn những trưởng thành già dặn trước tuổi, là những kỷ niệm đẹp đẽ “vây giữa tình yêu” của thầy của bạn, của đồng bào miền Bắc với những đứa con ruột thịt miền Nam xa quê. Có lẽ vì vậy, cuốn sách nặng dày này khiến ta xúc động không chỉ bởi lịch sử mà còn ở nghĩa tình.

Đối với lứa chúng tôi, sinh ra và lớn lên sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tuổi thiếu niên và thanh niên trưởng thành giữa những ngày chống Mỹ, đã có những ký ức khó quên về học sinh miền Nam. Có những lúc, chúng tôi, đang sống cùng bố mẹ, quê hương, vậy mà ghen tị, dỗi dằn khi các bạn miền Nam được xã hội chiều chuộng, ưu ái. Cái sự ích kỷ nhiều khi thật ghê gớm, khiến chúng tôi không nhận ra những thiệt thòi, mất mát quá lớn của các bạn ấy. Nghe người lớn gọi các bạn là “hạt giống đỏ”, thấy các bạn miền Nam được học trường riêng, có thầy cô riêng, có học bổng, sinh hoạt phí, được ưu tiên đủ thứ, được đi du học, thường được gặp Bác Hồ, thậm chí khi đánh nhau gây lộn có lỗi cũng được bênh…, đám chúng tôi cứ nhỏ nhen tị nạnh. Sau thì hiểu cả, giờ đây đọc cuốn sách này lại càng hiểu hơn, thương quý các bạn ấy hơn.

Nhắc đến học sinh miền Nam, tôi có chút kỷ niệm nhỏ khó quên. Dạo Mỹ mới đem máy bay ra đánh phá miền Bắc, các khu đô thị, trung tâm hành chính, cơ sở dịch vụ nhà nước được lệnh sơ tán về nông thôn. Kho lương thực huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) chuyển về xã tôi (Thụy Hương), nhà kho xây ngay trên thửa ruộng mà gia đìnhtôi từng nộp vào hợp tác xã theo quy định công hữu hóa, ngay phía sau nhà. Khu kho được xây cất kiên cố, rào giậu kỹ lưỡng, chứa lương thực của cả huyện. Thủ kho lúc đầu là ông Sáu, ông Minh rất vui tính, rồi cả hai ông chuyển đi kho khác, thay vào đó là cô Hoa người miền Nam. Chồng cô cũng người Nam, tên Võ Đại Dũng, chúng tôi chỉ biết tên chứ chưa được gặp bao giờ. Nghe nói chú Dũng hoạt động bí mật, được phái trở lại vào miền Nam chiến đấu trong lòng địch. Ba đứa con của cô chú là Võ Đại Hùng, Võ Kiều Nga, Võ Hải Nam đều rất dễ thương, đứa nào cũng nói đặc sệt giọng Nam. Ngoài giờ đi học, chúng chả phải làm gì, nên hay sang nhà tôi chơi, đọc truyện, vui đùa, giúp anh em tôi quét sân, rút rơm, thái rau lợn… Cu Hùng cực kỳ thích đọc sách báo, sách gì cũng ngấu nghiến, nó vừa đọc vừa đun nồi cám giúp tôi, cám sôi trào ra tắt cả bếp mà nó không biết, mắt cứ dán vào trang sách, tay thì tiếp tục đút rơm tọng đầy bếp. Đến năm 1970 hay 1971 gì đấy, tôi nhớ không rõ, nhận tin chú Dũng hy sinh, cô Hoa khóc hết nước mắt. Khi truy điệu, nhìn cô và 3 đứa thắt khăn tang trắng, thương lắm. Cu Hùng nằng nặc đòi máxin cho trở về Thừa Thiên-Huế quê nó để chiến đấu báo thù cho ba, nhưng tất nhiên nó còn nhỏ, chả ai cho đi.

Sau năm 1975, mấy mẹ con cô trở về Huế, tôi có nghe tin cu Hùng đi học trung cấp đường sắt, làm ở Hỏa xa Đà Nẵng, hình như vướngvụ tai nạn cán chết người nên bịkỷ luật. Năm 1980, tại ga Hà Nội, tôi đang loay hoay chưa biết tìm cách nào để mua vé vào lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ phépthì một đứa con gái ôm chầm lấy tôi. Nhìn kỹ hóa ra VõHải Nam, caolớn, xinh đẹp, nó líu lo hỏi anh làm sao mà đực mặt ra thế. Tôi kể bị mất chứng minh thư, không mua được vé. Nó bày em có giấy con liệt sĩ, em mua được vé vào Huế rồi, vậy em giao chứng minh thư của em cho anh, anh cứ xếp hàng họ hỏi thì bảo mua giúp em gái. Nhưng đến giờ tàu em chạy rồi, em đi trước, anh nhớ gửi chứng minh thư về cho em nhé. Nó ôm chặt tôi lần nữa rồi vụt biến vào ga. Sau tôi nhờ anh tôi chuyển cái căn cước đó vào cho cu Hùng, dặn đưa cho em gái nó. Từ bấy đến giờ, cả mấy anh em vẫn chưa có lần nào gặp lại nhau.

Sau hiệp định Geneve, những lứa học sinh miền Nam trưởng thành trên đất Bắc đã trở thành một phần không thể không nhắc đến trong lịch sử hiện đại. Đội ngũ 32.000 "hạt giống đỏ" đáng quý ấy đã chứng minh một tầm nhìn xa về nhân lực. Rất nhiều người sau này đã đóng góp, cống hiến không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, thành những nhân vật tên tuổi. Từ mái trường học sinh miền Nam đã có những Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Trương Quang Được, Võ Dũng (liệt sĩ Dũng là con trai cố thủ tướng Võ Văn Kiệt), Nguyễn Bá Thanh… để dấu ấn trong lịch sử; những Nguyễn Văn Bảy, Đồng Văn Đe, Lâm Văn Lích… oai hùng trên bầu trời, những Trà Giang, Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân, Lâm Tới, Diệp Minh Tuyền, Cao Tự Thanh… xuất sắc trong làng văn hóa văn nghệ. Các anh chị, bạn ấy, lớp trước lớp sau, chính là hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu của học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xúc động những trang sách về học sinh miền Nam trên đất Bắc