Sau gần 9 giờ nỗ lực giải phóng hiện trường với cả trăm công nhân, thợ thầy, ngành đường sắt đã khơi thông được tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân vào 21 giờ tối 20.11.

Xuyên đêm giải phóng gần 10 tấn đất đá vùi đường sắt qua đèo Hải Vân

Lê Đình Dũng | 21/11/2017, 12:28

Sau gần 9 giờ nỗ lực giải phóng hiện trường với cả trăm công nhân, thợ thầy, ngành đường sắt đã khơi thông được tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân vào 21 giờ tối 20.11.

Khoảng 21 giờ 30 tối 20.11, đoàn tàu SE3 với 15 toa tàu đã được lệnh rời ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) sau khi bị ách tắc gần 9 giờ do gặp phải sự cố sạt lở đất đá nghiêm trọng trên đèo Hải Vân.

Trước đó, khoảng 12 giờ 30 ngày 20.11, đoàn tàu SE3 chạy hướng Hà Nội – TP.HCM, chở theo 247 hành khách đã suýt gặp nạn khi đột ngột dừng trước một khối lượng đất đá ước gần 10 tấn sạt lở từ núi Hải Vân xuống vùi lấp đoạn đường sắt tại Km 758 + 400, thuộc địa giới Lăng Cô, H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế.

Đoàn tàu SE3 kịp dừng lại trước hàng tấn khối đất đá sụt trượt, tránh được một thảm họa có thể xảy ra - Ảnh: Lương Vũ

Đây là đoạn đường đèo rất hiểm trở, cheo leo với một bên núi bên vực thẳm và biển. Nguy hiểm hơn, trong số đất đá sụt trượt, có 1 tảng đá lớn nặng nhiều tấn rơi xuống đường sắt và chắn ngang đường. Với sự phát hiện và xử lý nhanh chóng, lái tàu SE3 tên Trần Văn Hiển đã hãm phanh cho đoàn tàu dừng trước nhiều khối đất và tảng đá lớn chỉ vài chục mét. Ngay sau đó đoàn tàu được lệnh lui về phía ga Lăng Cô để chờ xử lý sự cố. Cùng với đó, nhiều đoàn tàu khác cũng được lệnh dừng ở các ga tại Đà Nẵng, Huế trong suốt gần 9 giờ sự cố xảy ra.

Tài xế tàu SE3 Trần Văn Hiển, người được hành khách đi trên tàu vinh danh là “người hùng” giúp mọi người thoát nạn - Ảnh: Lương Vũ

Hành khách trên tàu SE3 nôn nóng chờ thông tuyến - Ảnh: Lương Vũ

Lãnh đạo Công ty CP đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng, đơn vị chủ trì xử lý sự cố đã nhanh chóng đưa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, do mưa rất lớn, tuyến đường độc đạo nên việc di chuyển, xử lý sự cố hạn chế. Phương án nổmìn phá đá cũng được loại bỏ sau khi đơn vị này cân nhắc hậu quả tác động thêm đến kết cấu địa chất khu vực xảy ra sạt lở dễ gây nên các vụ sụt trượt đất đá tiếp theo.

Một lãnh đạo công ty này cho hay phương án cuối cùng đã được lựa chọn là nhà một số thợ thủ công lành nghề làm đá (khai thác, đục đẽo, chế tác đá) ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc vào phá tảng đá lớn để mở đường. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, tảng đá được phá vỡ, hiện trường tạm được giải phóng, đường sắt bắc nam được thông tuyến trở lại. Nhiều hành khách đi trên tàu SE3 một phen hoảng hồn khi tránh được một tai nạn khủng khiếp có thể xảy ra nếu đoàn tàu va phải tảng đá lớn ở đỉnh đèo cheo leo.

Một số hành khách chủ động rời tàu SE3 tự tìm phương tiện đi tiếp sau khi không chờ nổi thời gian dài để thông tuyến - Ảnh: Lương Vũ

Được biết, dù thông tuyến nhưng trong đêm, đội quân của ngành đường sắt vẫn được cắt xử để hướng dẫn các đoàn tàu đi qua hiện trường vụ sạt lở đất với tốc độ 5km/giờ; ngày 21.11 việc giải phóng hiện trường và gia cố chống sạt lở sẽ được tiếp tục.

Nhật Lam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đu trend ‘tìm kho báu’ là chia sẻ thông tin sai sự thật
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định đây là hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuyên đêm giải phóng gần 10 tấn đất đá vùi đường sắt qua đèo Hải Vân