Bộ Công Thương được yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước...
Tin từ TPO ngày 30.10 cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu một số bộ, ngành khẩn trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của các đơn vị; đồng thời thực hiện cắt giảm, thu hẹp tối đa số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Theo đó, việc cắt giảm, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành bảo đảm thực chất, kiên quyết cắt giảm, thu hẹp những danh mục hàng hóa phải kiểm tra, còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng theo TPO, đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo quyết liệt cho vấn đề thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, bảo đảm thu hồi tối đa giá trị do nhà nước đầu tư.
Cùng với đó, Bộ này phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát chuẩn hóa lại mã số HS của các hàng hóa trong Danh mục hàng hóa nhóm 2và khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa có mã số HS thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, hàng hóa không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông để tạo sự thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Trước đó vào đầu tháng 10.2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đãphê duyệt đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Theo Quyết định 1468/QĐ-TTg do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền Thủ tướng ký ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Đề án nêu rõ, trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp...
A.T