Năm 2023, những "cơn gió ngược" đã tác động động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, nhiều sự kiện mang tính lịch sử cũng được ghi dấu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023

Tuyết Nhung 27/12/2023 08:32

Năm 2023, những "cơn gió ngược" đã tác động động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, nhiều sự kiện mang tính lịch sử cũng được ghi dấu.

Sau đây, Một Thế Giới xin điểm lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023:

Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, đổ xô các kỷ lục

Giá vàng trong nước sáng 26.12 tiếp tục tăng mạnh và vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, đây là ngưỡng cao nhất lịch sử tính đến thời điểm này. Điều đáng nói, chỉ sau khoảng vài tiếng đồng hồ, giá vàng đã tăng phi mã, mức tăng lên tới 1 triệu đồng/lượng, liên tục lập đỉnh mới trong lịch sử.

vang.jpg

Giá vàng miếng trong nước đang cao nhất trong lịch sử và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 19 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi liên tục tăng những ngày gần đây, khi giá vàng miếng tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế.

Trong tháng 12, giá vàng miếng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đầu năm mỗi lượng vàng miếng tăng 13 triệu đồng. Nhiều phiên giao dịch vàng miếng tăng tới 2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng khoảng 19 - 20%.

Chính thức phê duyệt Quy hoạch điện 8

Ngày 15.5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch điện 8 với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện đã chính thức được phê duyệt.

2023_12_19_17_15_113_55f7e.jpg

Quy hoạch Điện 8 được Bộ Công Thương trình Chính phủ từ cuối năm 2021. Quy hoạch này được phê duyệt trong bối cảnh vài năm qua một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vận hành, còn dự án mới chưa thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.

Theo quy hoạch lần này, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến năm 2050, gồm các công trình liên kết lưới để xuất nhập khẩu điện với các nước.

Điểm mới ở quy hoạch này so với trước đây là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31 - 39% vào năm 2030, tương đương 5.000 - 10.000MW. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5 - 71,5% vào 2050.

Cũng theo quy hoạch này, dự kiến đến 2030, cả nước sẽ có 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lắp đặt, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện sẽ giảm 7 - 8 lần trong vòng 20 năm (2030 - 2050), còn 27 - 31 triệu tấn khí thải vào năm 2050. Nếu các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ cam kết JETP, Việt Nam có thể đạt mức phát thải tối đa 170 triệu tấn vào năm 2030.

Về vốn, Việt Nam sẽ cần gần 135 tỉ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến năm 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển điện (nguồn, lưới) tăng lên 399 - 523 tỉ USD vào năm 2050, trong đó trên 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải.

Theo quy hoạch, lượng điện thương phẩm sẽ đạt khoảng 335 tỉ kWh vào năm 2025, tăng lên gấp rưỡi vào năm 2030 (khoảng 505 tỉ kWh) và đến năm 2050 là 1.114 - 1.254 tỉ kWh. Việt Nam sẽ sản xuất và nhập khẩu hơn 378 tỉ kWh vào năm 2025, tăng lên 567 tỉ kWh vào năm 2030 và tới năm 2050 là 1.224 - 1.378 tỉ kWh.

VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

Tối 15.8 (giờ Việt Nam), hãng xe điện của Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện rung chuông trên Nasdaq Stock LLC diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co.

1_def30.jpg

Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.

Sau khi vừa mở phiên giao dịch, mã VFS của VinFast đã tăng lên mức 23,11 USD/cổ phiếu, từ mức 22 USD/cổ phiếu. Sau hơn hai tiếng đầu giao dịch, mã VFS của VinFast đã bật tăng hơn 32%, vươn lên mức giá 29,05 USD/cổ phiếu.

Sự kiện VinFast niêm yết lên sàn Nasdaq cũng thu hút gần 8.000 người theo dõi trực tiếp.

Giá điện tăng 2 lần, thiếu điện nghiêm trọng

Năm 2023, giá điện được điều chỉnh tăng 2 lần. Lần 1 là vào ngày 4.5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3%. Lần 2 là vào ngày 9.11, giá bán lẻ điện bình quân được tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế GTGT). Mức tăng này tương ứng với tăng thêm 4,5%.

gia-dien.png

Mặc dù giá điện tăng tới 2 lần nhưng ngay từ đầu tháng 5.2023, EVN đã xác định: Với tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới 1.600MW cho đến 1.900MW. Điển hình như ngày 6.5, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300MW và sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc đã lên tới hơn 895 triệu kWh.

Trong năm 2023, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc nước về rất ít, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam nước về cũng kém.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Nắng nóng kỷ lục, nhất là khu vực phía bắc khiến lượng điện tiêu thụ tăng mạnh, ngành điện thậm chí phải huy động cả nguồn chạy dầu có mức giá cao với sản lượng huy động lên tới 14,6 triệu kWh mới đảm bảo cung ứng điện.

Giá xăng được điều chỉnh vào thứ 5 hằng tuần

Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17.11 đã thừa ủy quyền Thủ tướng, ký Nghị định 80 về sửa đổi một số điều Nghị định 95 và 83 trong kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Nhà nước vẫn điều hành giá trong nước để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa hai đợt thay đổi giá bán lẻ được rút ngắn còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hằng tuần.

xang-dau.jpg

Thời gian rà soát, công bố các chi phí trong công thức tính giá cơ sở (gồm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước) được rút ngắn xuống còn 3 tháng. Việc này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí, tạo động lực cho doanh nghiệp thu xếp nguồn xăng dầu cung ứng cho nội địa.

Cũng theo nghị định mới, các đại lý bán lẻ xăng dầu được mua tối đa từ 3 nguồn, để cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường, tăng chủ động cho các đại lý trong nguồn nhập hàng, cung ứng.

Chính phủ cũng bỏ hình thức tổng đại lý bán lẻ trong hệ thống phân phối, để giảm bớt tầng trung gian.

Các điều kiện để siết quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu cũng được đưa ra. Doanh nghiệp đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý quỹ. Ngân hàng phong tỏa tài khoản quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp và tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp đầu mối gửi báo cáo kiểm toán độc lập về quỹ bình ổn cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương định kỳ 6 tháng một lần. Riêng báo cáo tình hình thực hiện quỹ bình ổn (số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại được trích lập, chi sử dụng quỹ, tổng số tiền trích lập và chi quỹ...) được yêu cầu gửi cơ quan quản lý trước ngày 15 hằng tháng.

Giảm 2% thuế GTGT nhiều mặt hàng

thuevat.jpg

Ngày 30.6, Chính phủ ban hành nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1.7 đến 31.12.2023. Theo đó, giảm thuế này đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá điếu, xì gà, rượu, bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, tàu bay, du thuyền, xăng các loại…

Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin như card âm thanh, hình ảnh, mạng và các loại card tương tự dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động, thẻ thông minh, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi của máy vi tính...

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại....

Về mức giảm thuế GTGT, nghị định nêu rõ cơ sở kinh doanh tính thuế theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ nêu trên.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT/chịu thuế GTGT 5% thì không được giảm.

Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thông qua việc liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các tổ chức tín dụng đề nghị tiết giảm chi phí, giảm lãi suất huy động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

lai-suat.jpg

Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ giảm 2 - 3% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất và các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Lần 1 có hiệu lực từ ngày 15.3: Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Riêng lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm...

Lần 2 có hiệu lực từ 3.4: Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm...

Lần 3 có hiệu lực từ 25.5: Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm...

Lần 4 có hiệu lực từ 19.6: Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm...

Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng

Sau hơn 22 ngày làm việc (từ 23.10 đến 29.11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 đã thông qua 7 luật và 9 nghị quyết.

104616131.jpg

7 luật quan trọng được thông qua gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.

Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản

Năm 2023, lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, cũng như Việt Nam - Nhật Bản sang trang mới.

Tháng 9, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Sự kiện này một lần nữa ghi dấu mốc quan trọng mới sau 28 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013 - 2023) giữa hai nước.

Mỹ luôn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; chiều ngược lại, Việt Nam vươn lên thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Mỹ đạt 123 tỉ USD, gấp 4 lần năm 2013 và gấp 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994.

Hơn 2 tháng sau, cuối tháng 11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida ra tuyến bố chung, thông báo Việt Nam - Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nhiều năm trở lại đây. 11 tháng đầu năm nay, xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1.5 tỉ USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam - Trung Quốc ký kết 36 văn kiện hợp tác

Chiều 12.12, tại trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng xem và nghe báo cáo về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban bộ ngành trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Các văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban bộ ngành, địa phương hai nước thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm.

Bài liên quan
Việt Nam - Trung Quốc: Hợp tác kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần, từ 2 tỉ USD vào năm 2008 lên 25 tỉ USD hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023