Mấy ngày qua, một số mặt hàng nhu yếu phẩm ở TP.HCM có dấu hiệu tăng đột biến, đơn cử như: 100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt...

100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt ở TP.HCM lúc dịch, Bộ Công Thương nói gì?

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 13/07/2021, 20:01

Mấy ngày qua, một số mặt hàng nhu yếu phẩm ở TP.HCM có dấu hiệu tăng đột biến, đơn cử như: 100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt...

Hành lá, ngò, ớt tươi, gừng... là những mặt hàng được ghi nhận tăng giá đột biến ở TP.HCM những ngày qua, thậm chí tăng gấp 3 lần mà vẫn khó mua được. Tại một số website, mặt hàng hành lá, gừng tươi, ớt đã tăng giá bán chóng mặt, cụ thể ớt là 40.000 đồng/100g, tương đương 400.000 đồng/kg, hành lá 110.000 đồng/kg.

bach_hoa_xanh_d186a.jpg
Bách Hóa Xanh tăng giá nhu yếu phẩm đột biến gây bức xúc - Ảnh: T.N

Người dân TP.HCM mới đây đã phản ánh về việc hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh tăng giá đột biến một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Trao đổi với báo chí về vấn đề này chiều tối 13.7, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã liên hệ với đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh cũng như Tập đoàn Thế giới Di động và đã nhận được phản hồi.

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết Việt Nam đang đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 và là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Để phối hợp cùng Chính Phủ trong công tác chống dịch, đồng hành cùng chính quyền địa phương các tỉnh thành trong việc đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh (thành viên của Tập đoàn Thế Giới Di Động) đã nỗ lực hết mình để tiếp tục mở cửa phục vụ khách hàng bất chấp nguy cơ dịch bệnh cho đội ngũ nhân viên.

"Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giữ giá bán như trước đợt dịch", đại diện đơn vị này khẳng định.

Nguyên nhân không thể giữ giá được, đơn vị này lý giải là do thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc; chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng ngàn tài xế giao hàng và nhân viên kho; chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau; chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.

Ngoài ra, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...

Bách Hóa Xanh đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng với một số mặt hàng ở các cửa hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2 - 3 lần.

"Chúng tôi cũng đã đồng hành cùng TP.HCM triển khai các điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa. Công ty đã và đang nỗ lực hết sức để đảm bảo phục vụ hàng hóa thiết yếu cho người dân", đại diện Bách Hóa Xanh nhấn mạnh.

Phía Bộ Công Thương cho biết đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Ngoài việc tạo "luồng xanh" thì Bộ đã có phương án tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" để các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương thuộc Chương trình Bình ổn thị trường (trong và ngoài vùng có dịch), được lưu thông nhanh nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Theo đó, trong khi nhu cầu thực tế ngày thường của người dân ở TP.HCM chỉ khoảng 9.000-10.000 tấn thực phẩm/ngày thì hiện nay mức dự trữ đã lên tới hơn 120.000 tấn. Vì vậy, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn dồi dào, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống nên giá cả các mặt hàng đều ổn định.

Tính đến ngày 12.7, các hệ thống phân phối như MM Mega, Bách Hóa Xanh, Masan… và các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường đã tổ chức được 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện phục vụ người dân mua hàng hóa thiết yếu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
11 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt ở TP.HCM lúc dịch, Bộ Công Thương nói gì?