Một thỏa thuận OpenAI sẽ được Apple công bố tại hội nghị nhà phát triển toàn cầu của mình (WWDC) vào tuần tới.
Khi lên sân khấu WWDC năm 2008 vào năm 23 tuổi, Sam Altman đã hào hứng về việc có thể sử dụng Apple App Store để quảng bá phần mềm của mình là một dịch vụ định vị bạn bè mang tên Loopt.
Sam Altman phát biểu: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là kỷ nguyên mới của thiết bị di động và rất vui mừng được trở thành một phần của nó”.
16 năm sau, Apple lại hợp tác với Sam Altman một lần nữa nhưng trong một sự thay đổi bất ngờ. Lần này, Apple cần sự giúp đỡ của doanh nhân này.
Sam Altman đang điều hành OpenAI, công ty khởi nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Trong cuộc chạy đua để bắt kịp đối thủ ở lĩnh vực đó, Apple đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI để tích hợp ChatGPT vào iOS 18, phiên bản mới hệ điều hành cho iPhone. Dù Sam Altman có thể không xuất hiện trên sân khấu WWDC 2024, thỏa thuận này sẽ là trọng tâm chính của WWDC 2024 (diễn ra từ ngày 10.6 đến 14.6) và cho thấy quyền lực ở Thung lũng Silicon đã thay đổi như thế nào vài năm qua.
Thỏa thuận này mang lại cho OpenAI quyền tiếp cận hàng trăm triệu người dùng Apple, gồm cả những người có thể ngần ngại dùng thử ChatGPT. Sự hợp tác đó có thể mang đến cho Apple công nghệ gây sốt trong kỷ nguyên AI, là chatbot ChatGPT sở hữu khả năng đáng kinh ngạc, mà công ty có thể kết hợp với các dịch vụ của riêng mình.
Apple đã và đang phát triển loạt tính năng AI, gồm cả những tính năng chạy trên thiết bị của hãng và những tính năng khác yêu cầu xử lý bằng điện toán đám mây. Công ty cũng đang trang bị AI cho trợ lý kỹ thuật số Siri. Thế nhưng, chatbot riêng của Apple vẫn chưa hoạt động đủ tốt.
Dag Kittlaus, chuyên gia công nghệ đồng sáng lập và điều hành doanh nghiệp về Siri trước khi được Apple mua lại, nói mối quan hệ đối tác của Apple với OpenAI có thể là ngắn hạn và trung hạn. “Thế nhưng, bạn có thể đặt cược rằng Apple sẽ nỗ lực hết sức để xây dựng năng lực của riêng mình”, ông nói.
Bài phát biểu quan trọng của Giám đốc điều hành Tim Cook tại WWDC 2024 vào ngày 10.6 tới được coi là bài thuyết trình bán hàng lớn nhất với Apple trong nhiều năm. Apple phải thuyết phục người tiêu dùng, nhà phát triển và nhà đầu tư rằng hãng có thể phát triển mạnh trong kỷ nguyên AI. Áp lực còn tăng thêm vì hoạt động kinh doanh hiện tại của Apple đang trì trệ, với doanh thu giảm 5/6 quý vừa qua.
Hai công ty vẫn chưa tiết lộ công khai thỏa thuận này và các điều khoản của nó cũng chưa rõ ràng. Apple (có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ) và OpenAI (có trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California) từ chối bình luận.
Apple từng đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ AI khi phát hành trợ lý kỹ thuật số Siri vào năm 2011, đánh bại Google Assistant và Alexa của Amazon trên thị trường. Thế nhưng, Apple nhanh chóng tụt lại phía sau các đối thủ và điều đó xảy ra trước cơn địa chấn vào cuối năm 2022 khi chatbot ChatGPT ra mắt.
Việc OpenAI trình làng ChatGPT vào tháng 11.2022 đã khơi dậy trí tưởng tượng của người tiêu dùng và khiến các gã khổng lồ công nghệ phải chạy đua để phát triển dịch vụ AI riêng.
Các đối thủ lớn nhất của Apple đều đã có những bước tiến kể từ đó. Chatbot Gemini của Google đang cạnh tranh với ChatGPT để giành vị trí thống trị trong thị trường non trẻ. Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, tích hợp Copilot hỗ trợ AI vào các phần mềm của mình. Amazon đã trình diễn phiên bản Alexa được cải tiến bằng AI.
Ngược lại, Apple vẫn im tiếng về tham vọng AI của mình cho đến tận bây giờ. Tim Cook cho biết năm ngoái rằng công ty sẽ bước đi cẩn thận trong lĩnh vực mới và chỉ bổ sung công nghệ AI trên “cơ sở rất cẩn thận”. Gần đây, doanh nhân người Mỹ 63 tuổi lập luận rằng Apple sẽ có lợi thế về AI nhờ “sự kết hợp độc đáo giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ được tích hợp liền mạch”.
Bên trong công ty, các nhân viên Apple đang làm việc cật lực để thực hiện lời hứa đó. Sau khi ChatGPT ra mắt, các nhóm nhỏ trong bộ phận kỹ thuật phần mềm và AI của Apple đã bắt đầu nghiên cứu một đối thủ cạnh tranh với chatbot này, sử dụng nền tảng có tên Ajax.
Giám đốc mảng phần mềm Apple - Craig Federighi đã thúc đẩy các nhà quản lý tích hợp càng nhiều AI càng tốt vào phiên bản mới nhất của hệ điều hành iPhone và iPad. Bộ phận dịch vụ của Eddy Cue (Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Dịch vụ của Apple) bắt tay vào phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu mới để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ AI trực tuyến. Các nhân viên bắt đầu nghiên cứu cách AI có thể đến với Apple Music và những ứng dụng năng suất văn phòng của công ty.
Apple nhận thấy rằng AI của hãng có đủ khả năng để hỗ trợ các tính năng như chuyển giọng nói ghi âm thành văn bản, chỉnh sửa ảnh, khả năng tìm kiếm mới trong trình duyệt Safari và trả lời tự động trong các ứng dụng như Messages. Thế nhưng, Apple đã sớm xác định rằng OpenAI cùng Google vượt trội hơn nhiều trong lĩnh vực chatbot và hỗ trợ tức thời.
Điều đó đã đẩy Apple vào tình thế khó khăn. Công nghệ của chính Apple vẫn chưa sẵn sàng và các lãnh đạo công ty lo ngại tổn hại danh tiếng do một chatbot bất ổn gây ra. Một số người trong Apple thậm chí còn có ác cảm về mặt triết lý với việc có chatbot.
Song người tiêu dùng vẫn sẽ mong đợi Apple cung cấp một dịch vụ như vậy và điều đó đã đã đặt nền tảng cho thỏa thuận của họ với OpenAI. Vài tháng trước, Apple đã bắt đầu thảo luận với OpenAI cùng Google và các nhà cung cấp chatbot khác về việc tích hợp công nghệ này vào iOS 18.
Bằng cách thuê ngoài chức năng chatbot, Apple có thể tách mình ra khỏi chính công nghệ này, gồm cả cả những sai sót và ảo giác (trả lời sai y như đúng sự thật) đôi khi xảy ra. Thế nhưng, việc này cũng liên kết Apple với một công ty khởi nghiệp AI đang gặp nhiều biến động và tranh cãi. Sam Altman (hiện 39 tuổi) đã bị hội đồng quản trị OpenAI sa thải một thời gian ngắn vào tháng 11.2023 trước khi được phục chức vì những lý do vẫn chưa rõ ràng và gần đây khiến nữ diễn viên Scarlett Johansson tức giận vì phát hành mô hình ngôn ngữ lớn mới GPT-4o có giọng nói giống cô.
Dù vẫn đang đàm phán với Google về việc sử dụng Gemini trong các thiết bị của mình, Apple trước tiên đã đạt được thỏa thuận với OpenAI. Cuối cùng, Apple có thể cung cấp vài chatbot bên thứ ba khác nhau, nhưng đang đàm phán các thỏa thuận trong từng trường hợp cụ thể, theo những người hiểu biết về tình hình.
Một người cho biết Apple đã chọn OpenAI làm đối tác AI đầu tiên của mình vì một số lý do. Apple đạt được các điều khoản kinh doanh với OpenAI tốt hơn những gì Google đưa ra và tin rằng công nghệ của OpenAI là tốt nhất hiện có trên thị trường. Việc tích hợp AI từ Google vào iPhone cũng có thể tạo ấn tượng rằng đối thủ công nghệ lớn của Apple đã đánh bại họ trong một lĩnh vực mới quan trọng.
Trong khi đó, OpenAI sẽ có được sự tiếp cận rộng rãi nhờ tích hợp sâu công nghệ của mình vào smartphone và máy tính bảng bán chạy hàng đầu thế giới là iPhone và iPad. Tuy nhiên, sự hợp tác với Apple có thể mang lại sự giám sát mới cho những lo ngại về an toàn và quyền riêng tư xung quanh ChatGPT. Tùy thuộc mức độ Apple dự định tích hợp ChatGPT vào phần mềm của mình, điều này đồng nghĩa OpenAI có quyền truy cập thông tin cá nhân, khiến một số người dùng lo lắng.
Tuy nhiên, Apple dự kiến sẽ cung cấp các tính năng AI mới của mình dưới dạng dịch vụ tùy chọn, theo những người quen thuộc với vấn đề này. Vì vậy, những khách hàng cảnh giác về quyền riêng tư có thể dễ dàng tránh xa chúng nếu muốn.
Bất chấp điều đó, thỏa thuận với OpenAI có thể chỉ là một biện pháp tạm thời. Apple có lịch sử lâu dài về việc đưa công nghệ bên ngoài vào nội bộ rồi thay thế, chẳng hạn thay bộ xử lý Intel bằng chip Apple silicon của chính mình.
Apple cũng đang hướng tới những thứ xa hơn chatbot AI. Nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ then chốt đằng sau AI tạo sinh) để giúp cung cấp năng lượng cho cặp thiết bị robot mà hãng đang bí mật phát triển. Trong đó có một cánh tay robot đặt trên bàn với màn hình lớn giống iPad cùng robot di động có thể theo dõi người dùng xung quanh và thay mặt họ xử lý công việc. Ngoài ra, công ty đang tìm cách trang bị camera và các tính năng AI cho AirPods.
Quan trọng hơn, có cơ hội để Siri phát huy hết tiềm năng của mình, theo Dag Kittlaus. Điều đó có thể mang lại sự công nhận cho một công ty đã ấp ủ giấc mơ về một trợ lý cá nhân thông minh dưới thời người đồng sáng lập Steve Jobs.
“Không còn bất kỳ hạn chế kỹ thuật nào để hiện thực hóa tầm nhìn Siri ban đầu”, Dag Kittlaus cho biết.