Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel, hôm 4.6 đã lên sân khấu tại triển lãm Computex 2024 (diễn ra ở Đài Loan) để nói về các sản phẩm mới mà ông kỳ vọng sẽ giúp công ty lấy lại thị phần bị mất vào tay các đối thủ, gồm cả Nvidia – hãng dẫn đầu về chip AI.
Thế giới số

Pat Gelsinger phản bác tuyên bố từ CEO Nvidia rằng bộ xử lý Intel lỗi thời trong kỷ nguyên AI

Sơn Vân 15:18 05/06/2024

Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel, hôm 4.6 đã lên sân khấu tại triển lãm Computex 2024 (diễn ra ở Đài Loan) để nói về các sản phẩm mới mà ông kỳ vọng sẽ giúp công ty lấy lại thị phần bị mất vào tay các đối thủ, gồm cả Nvidia – hãng dẫn đầu về chip AI.

Intel đã giới thiệu bộ xử lý trung tâm dữ liệu Xeon 6 mới với các lõi hiệu quả hơn, cho phép các nhà vận hành cắt giảm không gian cần thiết cho một tác vụ nhất định xuống còn 1/3 so với phần cứng thế hệ trước.

Giống như các đối thủ, từ AMD đến Qualcomm, Intel đã giới thiệu điểm chuẩn cho thấy bộ xử lý mới của họ tốt hơn đáng kể so với các tùy chọn hiện có. Trong các bài phát biểu tại Computex 2024, giám đốc điều hành AMD và Qualcomm đã so sánh với bộ xử lý máy tính xách tay (laptop) và máy tính để bàn (desktop) của Intel để cho thấy họ tiến xa đến mức nào trong một số khía cạnh công nghệ.

Pat Gelsinger đã trực tiếp chỉ trích tuyên bố từ Giám đốc điều hành Nvidia - Jensen Huang rằng các bộ xử lý truyền thống như của Intel đang trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên AI.

Pat Gelsinger nói: “Không giống như những gì Jensen muốn bạn tin tưởng, Định luật Moore vẫn tồn tại và hoạt động tốt”, đồng thời nhấn mạnh rằng Intel sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của AI với tư cách là nhà cung cấp chip máy tính cá nhân hàng đầu.

“Tôi nghĩ AI giống như internet 25 năm trước, nó lớn đến thế. Chúng tôi coi AI là nguồn nhiên liệu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn đạt 1.000 tỉ USD vào cuối thập kỷ này”, Giám đốc điều hành Intel cho hay.

Định luật Moore là một quan sát được đưa ra bởi Gordon Moore, nhà đồng sáng lập Intel, vào năm 1965. Ông dự đoán rằng số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm, trong khi giá thành sản xuất sẽ giảm một nửa.

Định luật Moore là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ điện tử trong suốt nhiều thập kỷ qua. Nhờ có Định luật Moore, máy tính ngày càng trở nên nhỏ gọn, mạnh mẽ và giá rẻ hơn.

Định luật Moore cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghệ khác, như smartphone, internet vạn vật (IoT), AI…

Những năm gần đây, việc áp dụng Định luật Moore đang gặp phải một số thách thức, do các giới hạn vật lý trong việc thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và kỹ sư vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp mới để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển của ngành công nghệ bán dẫn.

Một số ví dụ về tác động của Định luật Moore:

Năm 1971, Intel ra mắt bộ vi xử lý đầu tiên, Intel 4004, với 2.300 bóng bán dẫn.

Năm 2023, Apple ra mắt chip A17 Bionic cho iPhone 15 Pro, với 40 tỉ bóng bán dẫn.

Nhờ có Định luật Moore, giá thành của một máy tính cá nhân đã giảm từ hàng nghìn USD xuống còn vài trăm USD.

Pat Gelsinger cho biết các hệ thống Gaudi, kết hợp nhiều chip của Intel thành bộ xử lý đa năng để xử lý việc đào tạo AI tạo sinh, sẽ được cung cấp cho các đối tác như Dell và Inventec.

Một hệ thống gồm 8 chip Intel Gaudi 2 sẽ được bán với giá 65.000 USD. Một hệ thống mạnh mẽ hơn với 8 chip Intel Gaudi 3 sẽ có giá 125.000 USD. Intel ước tính cả hai hệ thống này đều có giá cả phải chăng hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Mỗi hệ thống với 8 chip Gaudi 3 gồm 8.192 bộ tăng tốc và Intel ước tính nó mang lại thời gian đào tạo mô hình AI nhanh hơn tới 40% so với cụm GPU Nvidia H100 có kích thước tương đương.

Intel cũng cho biết Gaudi 3 sẽ nhanh hơn hai lần so với Nvidia H100 trong việc thực hiện các tác vụ suy luận AI, được kiểm tra bằng mô hình phổ biến như của Meta Platforms và Mistral. Những lợi thế đó có thể không đủ để lật đổ Nvidia khỏi vị trí dẫn đầu về chip AI trung tâm dữ liệu.

pat-gelsinger-phan-bac-tuyen-bo-tu-ceo-nvidia-rang-bo-xu-ly-intel-loi-thoi-trong-ky-nguyen-ai.jpg
Ông Pat Gelsinger cầm chip AI trong bài phát biểu tại Computex 2024 -- Ảnh: Bloomberg

Leonard Lee, nhà phân tích tại hãng neXt Curve, nói: “Hiệu suất của từng bộ tăng tốc riêng lẻ không còn là điều quan trọng nhất. Lợi thế lớn nhất của Nvidia là có hệ sinh thái gắn kết và tích hợp cùng công nghệ độc quyền như NVLink để đảm bảo các cụm máy tính của họ hoạt động như một thể thống nhất. Sức mạnh nằm ở khả năng tạo ra một bộ tăng tốc logic khổng lồ với quy mô rất lớn”.

Nói cách khác, theo Leonard Lee, điều quan trọng không chỉ nằm ở hiệu suất của từng bộ tăng tốc riêng lẻ mà ở việc có thể kết hợp chúng lại thành một hệ thống lớn và mạnh mẽ, hoạt động như bộ tăng tốc duy nhất nhưng với quy mô rất lớn.

Intel (có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ) dẫn đầu ngành công nghiệp máy tính trong nhiều thập kỷ, nhưng doanh thu của hãng này đã sụt giảm hai năm qua do tụt hậu so với các đối thủ.

Được mời trở lại Intel làm việc ba năm trước để xoay chuyển tình thế, Pat Gelsinger đã chi rất nhiều tiền để hồi sinh các dịch vụ của công ty và xây dựng mạng lưới nhà máy mà ông cho rằng sẽ giành lại vị trí dẫn đầu trong thiết kế lẫn sản xuất chip.

Trong khi doanh số bán hàng của Intel đã ngừng giảm, các nhà phân tích không dự đoán sự phục hồi nhanh chóng của công ty này. Intel đang trên đà kết thúc năm 2024 với doanh thu thấp hơn 20 tỉ USD so với 2021. Theo ước tính, doanh số bán hàng của Nvidia dự kiến sẽ tăng gấp đôi và AMD sẽ tăng trưởng hơn 10% vào năm 2024 khi hai công ty này tận dụng tốt hơn làn sóng chi tiêu cho phần cứng tính toán AI.

“Đây là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của chúng tôi cùng nhau”, Pat Gelsinger cho hay, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của việc Intel hợp tác với các đối tác. “Chúng tôi được tạo ra cho khoảnh khắc này”, doanh nhân 63 tuổi người Mỹ nói thêm.

Trở lại với đối thủ lớn nhất của Intel là Nvidia. Trong bài phát biểu quan trọng trước thềm Computex 2024, Jensen Huang đã tiết lộ tầm nhìn về một kỷ nguyên mới của AI tạo sinh và robot cho các ngành công nghiệp, được hỗ trợ bởi chip, phần mềm và những giải pháp tiên tiến khác từ công ty và đối tác công nghệ cao khác nhau của họ.

Ông cho biết máy tính "không còn chỉ là công cụ lưu trữ thông tin hoặc xử lý dữ liệu, mà là nhà máy sản xuất trí thông minh cho mọi ngành".

"Chúng tôi bắt đầu với điện toán tăng tốc và bây giờ là một cuộc cách mạng công nghiệp. Máy tính sẽ không chỉ là một công cụ mà bạn sử dụng. Bây giờ, máy tính sẽ tạo ra kỹ năng. Đây là tương lai gần của chúng ta", Giám đốc điều hành Nvidia nói.

Các sản phẩm của Nvidia như GPU Blackwell (bản nâng cấp của Nvidia H100) và nền tảng phần mềm CUDA sẽ cung cấp thành phần kỹ thuật cho các doanh nghiệp thiết lập trung tâm dữ liệu tiên tiến được gọi là "nhà máy AI" và nhà phát triển tạo các ứng dụng AI hiệu suất cao cho những ngành công nghiệp khác nhau, theo Jensen Huang.

Theo Nvidia, Blackwell có tốc độ xử lý một số tác vụ nhanh hơn 30 lần so với H100.

pat-gelsinger-phan-bac-tuyen-bo-tu-ceo-nvidia-rang-bo-xu-ly-intel-loi-thoi-trong-ky-nguyen-ai1.jpg
Ông Jensen Huang chụp ảnh tự sướng với người hâm mộ tại Computex - Ảnh: Reuters

Bài phát biểu quan trọng từ Jensen Huang phản ánh cách Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới) đã nổi lên như trung tâm của cuộc cách mạng AI toàn cầu.

Công ty có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California) đã thiết lập một hệ sinh thái phần cứng và phần mềm tạo thành nền tảng cho các máy tính, máy chủ cùng những sản phẩm mới đang được triển khai bởi các nhà điều hành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới như Amazon, Microsoft, Google. Trung tâm dữ liệu cung cấp hạ tầng tính toán mà các mô hình ngôn ngữ lớn và dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT cùng chatbot khác đang được phát triển.

Jensen Huang nói: "Hiện tại, chúng tôi có khoảng 5 triệu nhà phát triển cho CUDA trên toàn thế giới. Chúng tôi phục vụ mọi ngành, từ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, ngành máy tính, ngành ô tô - hầu hết ngành công nghiệp chính trên thế giới và mọi lĩnh vực khoa học".

Gần cuối bài thuyết trình kéo dài 2 giờ của mình, Jensen Huang nhấn mạnh rằng bước tiếp theo của kỷ nguyên mới này với AI là thúc đẩy phát triển robot.

Theo Jensen Huang, "AI vật lý" là sự phát triển tiếp theo đang diễn ra ở Đài Loan, nơi các đối tác lớn của Nvidia như Foxconn (hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới) và TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) nằm trong số những cái tên dẫn đầu.

Nvidia đã xây dựng một nền tảng phát triển tiên tiến có tên Omniverse, sẽ được sử dụng để tạo và huấn luyện AI cho các ứng dụng robot khác nhau.

Bài liên quan
Mảng kinh doanh laptop đang lên của Huawei bị đe dọa vì Mỹ rút giấy phép xuất khẩu với Intel, Qualcomm
Huawei phải chịu áp lực mới sau khi Mỹ rút giấy phép xuất khẩu từng cho phép gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mua chip từ Intel, Qualcomm để sử dụng trong laptop và smartphone.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
29 phút trước Giáo dục
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pat Gelsinger phản bác tuyên bố từ CEO Nvidia rằng bộ xử lý Intel lỗi thời trong kỷ nguyên AI