Viện KSND tối cao truy tố 18 bị cáo tội “Nhận hối lộ” ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

18 bị cáo trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đối diện khung hình phạt đến tử hình

Nhã Thanh | 09/07/2023, 14:58

Viện KSND tối cao truy tố 18 bị cáo tội “Nhận hối lộ” ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Theo kế hoạch, ngày 11.7 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, một số tỉnh thành phố và các đơn vị liên quan.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.Hà Nội, hiện có hơn 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Các Công ty có liên quan được tòa án triệu tập, gồm Công ty CP Du lịch Thương mại Lữ Hành Việt, Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình, Công ty CP Quốc tế Sao Hà Nội, Công ty TNHH Việt Nam G19…

Trong vụ án này, 54 bị cáo này bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong số 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, có 18 người bị Viện KSND tối cao truy tố ở điểm a khoản 4 Điều 354 BLHS. Cụ thể, Điều 354 – Tội Nhận hối lộ, khoản 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

chuyen-bay-giai-cuu.jpg
Phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án này dự kiến kéo dài 1 tháng - Ảnh: Internet

Danh tính 18 người này, gồm: Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Trần Văn Dự (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý của nguyên Phó thủ tưởng), Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản), Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự), Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tê, Bộ Giao thông vận tải).

Đây là vụ án nghiêm trọng, xảy ra khi dịch COVID-19 bùng phát nên được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo cáo trạng, các bị cáo lợi dụng dịch bệnh, bất chấp quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút…

Cáo trạng của VKS đã nêu rõ Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỉ đồng, trong thời gian từ tháng 9.2020 đến tháng 1.2022.

Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số hơn 25 tỉ đồng. Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022 đã nhận hối lộ 37 lần, tổng số 21,5 tỉ đồng…

Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) từ ngày 20.5.2021 đến 31.12.2021, đã nhận hối lộ 9 lần với tổng số tiền 5 tỉ đồng. Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), từ 16.6.2021 đến tháng 10.2021 đã nhận hối lộ 7 lần, tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý của nguyên Phó thủ tướng Chính phủ), từ tháng 3.2021 đến tháng 4.2021, đã nhận hối lộ 5 lần với tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng. Nguyễn Tiến Thân (cựu Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ), từ tháng 11.2020 đến tháng 4.2021, đã nhận hối lộ 8 lần số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.

Nguyễn Hồng Hà (cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), từ tháng 6.2021 đến tháng 11.2021 đã nhận hối lộ 2 lần với số tiền hơn 2 tỉ đồng…

VKS cũng xác nhận bị cáo Trần Văn Tân và gia đình nộp 4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Quá trình điều tra, Nguyễn Quang Linh và gia đình đã nộp khắc phục số tiền trên 4,4 tỉ đồng, ông Tô Anh Dũng và gia đình đã nộp 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả…

Ông Chử Xuân Dũng và gia đình đã nộp hơn 1,7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Đáng chú ý, trước thềm phiên xét xử diễn ra, một luật sư của ông Dũng cho biết ông Chử Xuân Dũng đang tiếp tục tác động, nhờ người thân nộp nốt số tiền còn lại trong tổng số 2 tỉ đồng bị cáo buộc là nhận hối lộ.

Trong vụ án này, VKS cho biết 18 bị cáo nêu trên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”, “Lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội” quy định tại điểm g, 1 khoản 1 Điều 52 BLHS.

Tuy nhiên, VKS cũng nêu rõ trong cáo trạng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được áp dụng, như “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác”…

Bài liên quan
Sẽ xét xử 54 bị cáo vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ trong phiên tòa kéo dài 1 tháng
TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” vào ngày 11.7 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
18 bị cáo trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đối diện khung hình phạt đến tử hình