Với tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ diễn biến khó lường và có nhiều khả năng kéo dài sang đầu năm 2021, ngành điện dự báo tăng trưởng phụ tải điện năm 2021 cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết sẽ có hai phương án cung ứng điện cho năm 2021.
Cụ thể, ở phương án cơ sở, tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021 dự kiến đạt khoảng 267,9 tỉ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020, công suất cực đại của hệ thống điện đạt 42.332MW, tăng 9,65% so với năm 2020. Ở phương án cao, sản lượng điện toàn hệ thống dự kiến đạt 269,8 tỉ kWh, tăng 7,93% so với năm 2020; công suất cực đại đạt 42.639MW, tăng 10,58%.
Cũng theo báo cáo của A0, đến cuối năm 2021, hệ thống điện quốc gia sẽ có thêm 5.456MW nguồn điện truyền thống được đưa vào vận hành, trong đó 656MW thủy điện và 4.800MW nhiệt điện.
Về năng lượng tái tạo, nếu tính cả các nguồn đã bổ sung quy hoạch, đáp ứng các điều kiện được hưởng giá FIT của điện mặt trời và điện gió, đến cuối 2021, tổng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 20.198MW.
Nếu các dự án nguồn điện mới đảm bảo đúng tiến độ, hệ thống điện quốc gia đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống và có dự phòng khoảng 5.000 - 11.000MW cho cả năm. Riêng miền Nam, công suất dự phòng ở mức gần 1.600 - 3.600MW.
Ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) yêu cầu A0 và các đơn vị hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30.12.2020. Ngoài ra, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cần đẩy nhanh các dự án lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện, đặc biệt là các dự án BOT như: Nghi Sơn 2, Hải Dương, Sông Hậu, Duyên Hải 2.
Đại diện EVN dự báo, năm 2021, nhu cầu phụ tải tiêu thụ điện sẽ tăng trưởng và hồi phục với tốc độ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm.
Trong khi đó, dự báo về kế hoạch cấp điện năm 2021, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết với tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ còn diễn biến khó lường và có nhiều khả năng kéo dài sang đầu năm 2021, tăng trưởng phụ tải điện năm 2021 cũng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.
Do đó, Cục Điều tiết điện lực đã xây dựng 2 phương án phụ tải là Phương án thấp và Phương án cao. Với kết quả tính toán cân bằng năng lượng theo 2 phương án này, hệ thống điện quốc gia đều đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt đều không phải huy động các nguồn điện chạy dầu. Các nguồn điện: than, khí, thủy điện nhìn chung được huy động cao. Nguồn điện năng lượng tái tạo được dự kiến phát cao hơn đáng kể so với năm 2020, cao hơn 8,374 tỉ kWh.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực đề xuất cần đánh giá chi tiết tiến độ các nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện năng lượng tái tạo dự kiến vào vận hành trong năm 2021, nhất là các nguồn nhiệt điện lớn Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2, BOT Hải Dương và các nguồn điện mặt trời, gió...
Về kế hoạch cung cấp điện năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến phân bổ các nguồn khí theo nguyên tắc hài hòa lợi ích của các hộ tiêu thụ, trong mọi trường hợp phải đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho phát điện. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo phụ tải điện chi tiết theo từng thành phần phụ tải trên cơ sở cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 với diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19...