Với một bức tranh kinh tế nhiều gam màu tối những tháng qua, đáng chú ý là những khoản lỗ ngày càng “phình to”, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) dự báo tình hình kinh doanh những tháng cuối năm sẽ diễn ra không mấy khả quan vì gặp khó ở 3 khâu chủ chốt là huy động vốn, chi phí đầu vào và nguyên liệu.

Nhiều khoản lỗ phình to, khủng hoảng vẫn đeo bám Vinachem

Tuyết Nhung | 07/10/2020, 14:00

Với một bức tranh kinh tế nhiều gam màu tối những tháng qua, đáng chú ý là những khoản lỗ ngày càng “phình to”, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) dự báo tình hình kinh doanh những tháng cuối năm sẽ diễn ra không mấy khả quan vì gặp khó ở 3 khâu chủ chốt là huy động vốn, chi phí đầu vào và nguyên liệu.

Nhiều khoản lỗ phình to

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Vinachem cho thấy doanh thu 6 tháng đầu năm nay của tập đoàn giảm mạnh 3.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt khoảng hơn 18.700 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng chiếm hơn 1.200 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm hơn 763 tỉ đồng, nhưng phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết lại âm tới gần 2,5 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi gần 17 tỉ đồng).

Do giá vốn cùng với các khoản chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của toàn tập đoàn lỗ tới hơn 796 tỉ đồng. 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng, DAP số 2 - Lào Cai 6 tháng đầu năm ước tính lỗ gần 2.000 tỉ đồng, tăng lỗ hơn 1.3000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

damhabac-1-(1).jpg

Các dòng tiền của tập đoàn cũng ghi nhận nhiều khoản âm lớn, như dòng tiền lưu chuyển từ đầu tư âm tới hơn 351 tỉ đồng, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động tài chính âm tới hơn 1.400 tỉ đồng, đáng chú ý là khoản tiền trả nợ gốc vay hiện âm tới hơn 11.000 tỉ đồng.

Hiện tổng tài sản của Vinachem đang ở mức hơn 52.000 tỉ đồng, giảm 2.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả là gần 35.000 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 25.404 tỉ đồng, nợ dài hạn là hơn 9.543 tỉ đồng. Tổng số nợ đã vượt qua vốn chủ sở hữu (17.044 tỉ đồng).

Trước tình hình trên, Vinachem dự báo doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 30.000 tỉ đồng, trong quý 3 đạt khoảng 10.000 tỉ đồng và lợi nhuận âm hơn 500 tỉ đồng. Còn các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỉ đồng.

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn hiện tại với mức lỗ phình to, nợ nần chồng chất, cuối năm nay, Vinachem vẫn xin kéo dài các khoản vay cho 4 doanh nghiệp yếu kém. Cụ thể, Vinachem kiến nghị tiếp tục cho phép cơ cấu kéo dài thời hạn vay đối với khoản vay BIDV và các ngân hàng thương mại cho các Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai. Không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả; điều chỉnh lãi suất tiền vay; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động...

Nợ khó trả chồng chất

Hãng Kiểm toán AASC cho biết Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan (Lào), hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý. Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm, Dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và Dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phân DAP số 2 (Vinachem) chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Tại thời điểm 30.6.2020, báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phân DAP số 2 (Vinachem) và Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.

"Những yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể và khả năng hoạt động liên tục tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phân DAP số 2 (Vinachem) và Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Chúng tôi không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về kế hoạch dòng tiền cho 12 tháng tới cũng như các bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp trên có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn hay không", Kiểm toán nhận định

Kiểm toán cũng nhấn mạnh một khoản vay ngân hàng của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 1.064,2 tỉ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 608,8 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Với một bức tranh kinh tế nhiều gam màu tối, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem lý giải do tập đoàn đang chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 với các yếu tố đầu vào như: huy động vốn, chi phí đầu vào, nguồn cung cấp nguyên liệu... Do đó, tình hình tiêu thụ giảm mạnh và nhu cầu trong nước cũng giảm, nhất là với sản phẩm phân bón. Một số doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam ngừng trệ sản xuất, dẫn đến giảm tiêu thụ sản phẩm hóa chất công nghiệp và giá bán cũng giảm mạnh. Trong điều kiện này, Vinachem dự báo tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất trong những tháng cuối năm vẫn tiếp tục là vấn đề lớn.

"Trong thời gian tới, lãnh đạo tập đoàn đã đề nghị các đơn vị cần đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế. Trong xây dựng kế hoạch cần cẩn trọng, làm tốt công tác dự báo để sản xuất hợp lý, tiêu thụ sản phẩm phải có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường. Ngoài việc tiết giảm chi phí nguyên vật liệu thì cũng cần tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc", ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khoản lỗ phình to, khủng hoảng vẫn đeo bám Vinachem