Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.

3 bệnh nhân bị ngộ độc suýt liệt hoàn toàn vì thiếu thuốc hiếm, Bộ Y tế nói gì?

Sơn Lam | 03/06/2023, 20:22

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.

Thiếu thuốc hiếm, 3 bệnh nhân ngộ độc

Trả lời báo chí về việc 3 bệnh nhân bị ngộ độc Bolutinum và gần như bị liệt hoàn toàn do không có thuốc giải độc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm.

Đối với vấn đề về trang thiết bị, bà Hương cho hay để đảm bảo nguồn cung về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Trong đó có một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung liên quan đến hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế và đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu, cụ thể:

Về giấy phép nhập khẩu, đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31.12.2024. Về cấp số lưu hành các trang thiết bị y tế, đến nay gồm: Trang thiết bị y tế loại A đã cấp cho 27.847 hồ sơ; Trang thiết bị y tế loại B đã cấp cho 14.508 hồ sơ; Trang thiết bị y tế loại C, D đã cấp cho 1.673 hồ sơ.

Đối với vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Thứ trưởng Hương cho rằng việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.

Ví dụ: Các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).

Để đảm bảo nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết 2024.

lien.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay Bộ Y tế đã công bố 04 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vắc xin, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31.12.2024. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Do vậy hiện nay cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.

Về các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.

Ngoài ra, theo bà Hương, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Giải pháp nào cho nguy cơ thiếu vắc xin?

Về bảo đảm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, đại diện Bộ Y tế cho rằng trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước.

“Mặc dù trong đầu năm 2022 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai các Chương trình y tế ở nhiều địa phương trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng, song Bộ Y tế và các tỉnh đã tăng cường triển khai tiêm chủng, tổ chức tiêm bù mũi vắc xin, triển khai tiêm thêm mũi vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi, triển khai một số chiến dịch tiêm chủng bổ sung trên diện rộng tại 32 tỉnh có nguy cơ cao. Với số lượng lớn trẻ em tại các vùng nguy cơ cao đã được tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét, bổ sung các vắc xin đã góp phần khống chế, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng trong thời gian vừa qua”, bà Hương nói.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vắc xin gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vắc xin sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7 năm 2023.

Cụ thể, vắc xin Viêm gan B, vắc xin phòng Lao còn đủ sử dụng đến tháng 8.2023, vắc xin Viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9.2023. Vắc xin sởi, vắc xin sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7.2023; uốn ván và bại liệt tiêm hiện còn đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Đối với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 đã đủ dùng đến đầu năm 2023. Do đây là vắc xin nhập khẩu, năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định, tuy nhiên không có nhà thầu tham gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ, giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện đặt hàng đối với 9 vắc xin sản xuất trong nước.

Theo đó, các vắc xin này chỉ có một nhà sản xuất trong nước và đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng. Đối với các vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu hoặc thực hiện đấu thầu tập trung khi đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Giai đoạn năm 2021-2022, theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) năm 2019 không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vắc xin, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương.

hb.jpg
Họp báo Chính phủ thường kỳ

“Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022 và gối đầu các tháng đầu năm 2023”, bà Hương nêu.

Theo đại diện Bộ Y tế, thực hiện nội dung của năm 2023, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cần tiếp tục thực hiện việc mua vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng như các năm trước.

“Bộ Y tế đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng và trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này. Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu vắc xin của 63 tỉnh và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vắc xin sẵn sàng các công việc theo quy định”, bà Hương nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM cần làm gì để đột phá trong tăng trưởng kinh tế?
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 bệnh nhân bị ngộ độc suýt liệt hoàn toàn vì thiếu thuốc hiếm, Bộ Y tế nói gì?