Một nhà ngoại giao cấp cao Cuba đã gợi ý 4 cách mà Mỹ có thể làm để cải thiện cuộc sống của người dân quốc đảo Caribe mà không cần phải phụ thuộc vào quốc hội.
Sau khi cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kết thúc tại New York (Mỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Carlos Fernández de Cossío Domínguez đã lên án các lệnh trừng phạt lâu dài của Washington đối với Havana nhưng Nhà Trắng vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình.
“Đó là một chính sách không công bằng và là một chính sách không chính đáng, đồng thời cũng là một chính sách rất bất cân xứng. Mỹ là nước hùng mạnh nhất trên trái đất nhưng lại chống lại quốc gia nhỏ bé không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, ông de Cossío nói với Newsweek.
Ông de Cossío khẳng định Cuba có mối quan hệ rất tốt với phần còn lại của thế giới. Theo ông, Cuba đang hứng chịu sự thù địch từ Mỹ và đây là một động thái đã bị cộng đồng quốc tế phản đối.
“Chính sách của Mỹ đã làm tổn hại đến sinh kế của mọi người dân Cuba, của cả quốc gia. Điều đó làm tổn hại đến mức sống, phúc lợi của họ, khả năng chu cấp cho gia đình, khả năng lập kế hoạch cho tương lai, khả năng có kế hoạch và sự thịnh vượng, đôi khi chăm sóc và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho gia đình ở một quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ và hiệu quả nhưng hiện nay đang thiếu nguồn lực và công nghệ", ông de Cossío nói.
Quan chức ngoại giao Cuba đã đưa ra bốn hành động mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tự mình thực hiện mà “không cần sự cho phép của quốc hội” để loại bỏ một số biện pháp gây tổn hại nhất cho Cuba.
“Đầu tiên sẽ là sửa chữa sai lầm khi đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, một điều có tác động kinh tế to lớn đối với chúng tôi", ông de Cossío nói.
Cuba lần đầu tiên được Mỹ thêm vào danh sách tài trợ cho khủng bố vào năm 1982, khi nước này bị cáo buộc hỗ trợ và tiếp tay cho các phong trào nổi dậy cánh tả trên khắp châu Mỹ Latinh. Cuba đã bị gạch tên khỏi danh sách nói trên vào năm 2015 khi quan hệ hai nước đang phục hồi tích cực dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Obama, Tổng thống Donald Trump, đã cứng rắn hơn trong chính sách của Washington đối với Havana và đã đưa Cuba vào lại danh sách quốc gia tài trợ khủng bố trong những tuần cuối của nhiệm kỳ.
Mặc dù ông Biden đã ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Cuba trong nhiệm kỳ phó tổng thống của mình, đương kim tổng thống Mỹ cho đến nay vẫn chủ yếu duy trì các chính sách thời Trump nhắm vào Havana.
Hành động thứ hai ông de Cossío khuyến nghị chính quyền Biden nên thực hiện là "ngăn chặn các biện pháp tước bỏ nguồn cung cấp nhiên liệu của Cuba bằng cách trừng phạt các công ty vận tải biển cung cấp nhiên liệu cho Havana hoặc đe dọa họ sẽ bị trừng phạt."
Do thiếu khả năng lọc dầu mạnh mẽ, Cuba chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài để đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho khoảng 11 triệu dân. Do các lệnh trừng phạt của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao de Cossío nói rằng Cuba phải chi thêm 15 đến 25% phí bảo hiểm để đảm bảo các chuyến hàng cần thiết nhằm trang trải cho các công ty có thể gặp rủi ro từ sự trả đũa tiềm tàng của Washington.
Ông de Cossío cũng đề xuất là chính quyền Biden nên hỗ trợ “sự hợp tác y tế của Cuba trên toàn thế giới”. “Sự hợp tác như vậy, diễn ra dưới hình thức cung cấp giáo dục và đào tạo y tế miễn phí cho sinh viên quốc tế và gửi các lữ đoàn y tế đến các quốc gia đang phát triển, từ lâu đã trở thành dấu ấn trong chính sách đối ngoại của Cuba”, ông de Cossío cho hay.
Khuyến nghị thứ tư và cũng là cuối cùng mà quan chức ngoại giao Cuba đưa ra là Tổng thống Biden "đình chỉ việc cho phép những người Cuba sống lưu vong được khởi kiện một số công ty Cuba đang sử dụng tài sản trưng thu sau cuộc cách mạng 1959 mà chính quyền Trump trước đó ban hành.
Với cuộc bầu cử sắp diễn ra vào năm tới có khả năng chứng kiến Biden tái đấu với ông Trump, de Cossío cho biết tất cả bốn điểm có thể được giải quyết trong thời gian ngắn mà không gây ra rủi ro chính trị đáng kể.
Về phần mình, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng tuyên bố rằng cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Biden đối với Cuba bắt nguồn từ một số yếu tố quan trọng, bao gồm cả lợi ích của người dân Cuba.
“Bảo vệ nhân quyền của người dân Cuba là cốt lõi trong chính sách của Tổng thống Biden đối với Cuba. Cách tiếp cận của chúng tôi với Cuba và bất kỳ quốc gia nào khác đều tính đến nhiều yếu tố chính trị, kinh tế và an ninh hiện tại. Chúng tôi tiếp tục tìm cách hỗ trợ người dân Cuba, đồng thời duy trì các hạn chế đối với chính phủ Cuba cũng như các cơ quan quân sự, tình báo và an ninh của nước này”, quan chức Nhà Trắng cho hay.