Với đặc thù của nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động nhiều trước những diễn biến trên thế giới bởi đó là thị trường xuất khẩu, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế.

5 thách thức với kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới

Tuyết Nhung | 09/09/2023, 09:10

Với đặc thù của nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động nhiều trước những diễn biến trên thế giới bởi đó là thị trường xuất khẩu, có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế.

Bộ Công Thương nhận định trong những tháng còn lại năm 2023, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trên thị trường thế giới.

an-ninh-luong-thuc.jpeg
Tình hình những tháng còn lại năm 2023 được đánh giá là còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, tạo rủi ro cho nền kinh tế và sức ép cho công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh: IT

Thứ nhất, dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.

Thứ hai, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, trong thời gian tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...

Thứ ba, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu, châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Thứ tư, xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU, Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

Thứ năm, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hằng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil... làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Trong khi đó, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất, tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỉ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỉ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỉ USD), nhóm nông-thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỉ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỉ USD).

Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%; giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...

Bài liên quan
Thiệt hại kinh tế vì thiên tai trong tháng 7 của Trung Quốc cao kỷ lục
Theo hãng tin Reuters, thiệt hại kinh tế trực tiếp vì thiên tai trong tháng 7 của Trung Quốc tăng vọt lên 41,18 tỉ nhân dân tệ – cao hơn 6 tháng đầu năm cộng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 thách thức với kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới